Dạy học trò nói lời yêu thương

Mấy ngày gần đây, báo chí đưa tin một số trường dân lập và công lập đã tổ chức lễ tri ân - trưởng thành cho học sinh cuối cấp như một hoạt động mới mẻ, ấn tượng. Tôi cũng đã được dự một buổi lễ thật cảm động như vậy tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hôm 22-5. Đây là buổi lễ dành cho 631 học sinh lớp 12 của trường chuẩn bị tốt nghiệp trung học có dịp tri ân các bậc sinh thành và thầy cô giáo.

Mấy ngày gần đây, báo chí đưa tin một số trường dân lập và công lập đã tổ chức lễ tri ân - trưởng thành cho học sinh cuối cấp như một hoạt động mới mẻ, ấn tượng. Tôi cũng đã được dự một buổi lễ thật cảm động như vậy tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hôm 22-5. Đây là buổi lễ dành cho 631 học sinh lớp 12 của trường chuẩn bị tốt nghiệp trung học có dịp tri ân các bậc sinh thành và thầy cô giáo.

Đó là một buổi lễ với thật nhiều hoa hồng và nước mắt. Nhiều gương mặt cố giấu nỗi xúc động mà không thể. Có những học sinh đã ôm cha mẹ và òa khóc như đứa trẻ lên 3. Đúng như lời phát biểu của học sinh đại diện các bạn rằng: “Buổi lễ đã dạy cho chúng con nói lên ngôn ngữ của trái tim”. Một phụ huynh cũng mắt đỏ hoe cho rằng đây là dịp để nhà trường và gia đình dạy cho các em biết nói lời yêu thương.

Sống trong những cảm xúc này, sẽ cảm thấy xa lạ với những clip học trò đánh “hội đồng” được phát tán trên mạng, những cái chết thương tâm do phút nông nổi ghen tuông để giành nhau người yêu… Rơi nước mắt khi thấy nhiều học sinh thổn thức nói: “Con yêu mẹ”, “Con cảm ơn thầy cô” mà không sợ bạn bè chọc quê, nhất là giới tuổi teen. Dự những buổi lễ như thế này mới thấy nhà trường, gia đình và học sinh trở nên gần gũi, tương tác hơn.

Những buổi lễ như thế này còn ý nghĩa hơn nhiều lần những trang sách giáo dục công dân hay những giờ dạy đạo đức tẻ nhạt, thiếu hơi thở cuộc sống. Sắp tới đây, việc tổ chức lễ tri ân sẽ được nhiều trường tổ chức. Đó là việc nên làm, đúng với mục tiêu của khẩu hiệu “Xây dựng nhà trường thân thiện”. Việc tổ chức lễ nên trang trọng, tránh hình thức, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng các em.

Cũng từ thực tế của việc tổ chức lễ tri ân, nhà trường cũng nên nghiên cứu, suy nghĩ để đa dạng các hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh, tránh các hoạt động lối mòn, không thu hút giới trẻ. Từ tri ân cha mẹ, thầy cô, nên tăng thêm các tiết giáo dục ngoại khóa như đưa học sinh đi thăm các nhà mở, mái ấm; viếng thăm và giúp đỡ các mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia các hoạt động thiện nguyện tại các bệnh viện, cứu trợ nạn nhân bị thiên tai. Có như vậy, chữ “lễ” mới thực sự được gieo vào tâm hồn và góp phần hình thành tính cách biết yêu thương, chia sẻ cho các em.

HỒNG ĐƠN (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục