Cái thuở người dân phải chen chúc, xếp hàng rồng rắn chờ tới lượt học lái xe đã trở thành thời… xa vắng. Bởi trong suốt năm 2013, tình trạng tụt giảm học viên tại các cơ sở đào tạo lái xe tại TPHCM giống như một biểu đồ đi xuống, bất chấp nỗ lực của các trường.
“Đóng băng” kéo dài
Rảo qua hàng loạt cơ sở đào tạo lái xe lớn bé, tư nhân lẫn nhà nước đóng trên địa bàn thành phố, chúng tôi ghi nhận một không khí ảm đạm, vì tình trạng suy giảm học viên vốn đã kéo dài suốt nhiều tháng qua. Quản lý một cơ sở đào tạo lái xe có trụ sở tại quận 6 than trời và cho biết cả đào tạo lái ô tô lẫn mô tô của đơn vị đều sụt giảm nặng nề.
“Trước đây, bình quân mỗi tuần trường có 300 học viên học và thi lấy bằng lái mô tô, thì bây giờ chỉ còn khoảng hơn 100 học viên cho… 2 tuần. Đào tạo lái ô tô tụt xuống chỉ còn 3-5 người đến ghi danh học mỗi ngày trong khi lúc trước bình quân là 50 người ghi danh mới/ngày”- vị quản lý này nói. Đỡ hơn một chút nhưng Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia cũng bị tụt giảm 20% số học viên.
Tình trạng học viên học lái xe, đặc biệt học lái ô tô trở nên lèo tèo, thưa thớt. Thật đáng ngại bởi tình trạng này xuất hiện từ các cơ sở đào tạo trong nội thành cho đến vùng ven hoặc ngoại thành, dù trường tên tuổi thâm niên cho đến cơ sở mới thành lập. Quản lý Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ xác nhận, lượng học viên học lái ô tô đã bị giảm xấp xỉ 60% thời gian qua, còn học viên lấy bằng lái mô tô vẫn ổn định. Một trường tên tuổi thuộc loại tốp trên, kỳ cựu và điển hình nhất trong đào tạo lái xe tại thành phố cỡ như Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ mà còn thế thì đủ hiểu mặt bằng chung của thị trường đào tạo lái xe tại thành phố đang suy giảm học viên nghiêm trọng đến mức nào.
Lý giải về tình trạng này, nguyên nhân đầu tiên được dân trong nghề điểm mặt đó là do hậu quả từ tình trạng suy thoái kinh tế thế giới và trong nước kéo dài suốt thời gian qua. Kinh tế khó khăn, túi tiền “co” lại… tất cả đã khiến người ta phải chặt chẽ hơn trong chi tiêu, thậm chí không ít người từ bỏ hoặc đình hoãn vô thời hạn ý định tậu chiếc ô tô cho gia đình mình.
Thông thường, một gia đình mua ô tô sẽ đồng nghĩa có ít nhất 3-4 người trong nhà cùng đi học lái ô tô chứ không phải chỉ có một người. Khi ý định sắm xe mất đi hoặc đình lại chưa biết đến bao giờ, không lạ khi lượng học viên học lái ô tô giảm xuống.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa xuất phát từ chính sự cân bằng cung cầu. So với cách đây chừng 3 năm, số lượng cơ sở đào tạo lái xe tại thành phố chỉ khoảng 20-25 trường nhưng hiện nay con số đó là hơn 50. Cung tăng vọt trong khi cầu vì nhiều nguyên nhân liên tục tụt giảm nên mới xảy ra tình trạng ảm đạm tại các cơ sở đào tạo lái xe.
Hệ quả từ tất cả các nguyên nhân nêu trên là giờ đây chỉ những người thực sự có nhu cầu hành nghề lái ô tô mới đi học, còn diện học phong trào, học theo rủ rê của bạn bè hoặc học để lấy bằng lái đút túi bỗng nhiên biến mất.
Và cuộc sàng lọc trước mặt
Trong bối cảnh khó khăn ấy, hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe đều rơi vào trạng thái sống ngoắc ngoải, lay lắt cầm chừng. Phụ trách một cơ sở đào tạo lái xe trực thuộc một cơ quan Nhà nước không muốn nêu danh tính cho biết trước kia, lúc hoạt động bình thường, đơn vị vẫn có tích lũy, khấu hao và trích nộp về cho cơ quan chủ quản, nhưng suốt mấy tháng nay khoản trích nộp này là con số không! “Chúng tôi cũng đang lo lắng, nếu tình hình này cứ kéo dài, có thể đơn vị sẽ bị thâm thủng, tức là thu không đủ để bù chi”- ông này nói thêm.
Không chỉ lo bị thâm thủng, có ý kiến cho rằng sắp tới có thể sẽ xảy ra tình trạng giải thể, sáp nhập giữa các cơ sở đào tạo lái xe, theo kiểu vài đơn vị yếu hoặc không vững vàng hoặc chỗ thân quen, họ hàng chuyển sang kết hợp thành một thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia, xét cho cùng khuynh hướng kết hợp các thương hiệu nhỏ, lình bình lại thành một đơn vị mạnh, vững vàng vẫn tốt hơn. “Những chuyện sáp nhập kiểu này đã từng xảy ra trong các ngành nghề khác, như trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng… Đó thực ra cũng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường” - ông Long nói.
Có một thực tế là nếu ở những trường lớn, trường thuộc loại tên tuổi và có bề dày thâm niên hoạt động trong lĩnh vực dạy lái xe thì cái “khó” cũng đỡ hơn một chút, đơn giản vì họ có thể sử dụng các khoản tích lũy trước đây cho lúc bĩ cực hiện nay, đại khái cầm cự chờ một ngày mai… tươi sáng.
Những người am tường lĩnh vực đào tạo lái xe tại thành phố đưa ra một dự báo không mấy lạc quan khi cho rằng tình trạng suy giảm học viên sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2014, thậm chí nhiều năm tiếp theo nữa, ngay cả khi kinh tế thế giới và trong nước hồi phục, đặc biệt sẽ rất khó quay trở lại thời hoàng kim người học phải xếp hàng rồng rắn như cách đây chưa lâu, đơn giản vì số lượng cơ sở đào tạo lái xe hiện đã tăng lên rất nhiều.
Trước thực trạng liên tục tụt giảm học viên và viễn cảnh không mấy vui vẻ này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đào tạo lái xe Tiến Bộ cho rằng giờ đây chỉ những trường, những cơ sở đào tạo lái xe có chất lượng, có uy tín mới có thể hy vọng tiếp tục thu hút học viên.
“Nói cách khác, cạnh tranh về chất lượng đào tạo, cạnh tranh chất lượng đầu tư cho phương tiện, cơ sở vật chất sẽ quyết định sự thành bại của từng cơ sở. Nơi nào đầu tư lôm côm sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường”- ông Dũng nói.
THIỆN NHÂN