(SGGP).- Ngày 23-7, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Hội Xuất khẩu sữa Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Mô hình tổ chức, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam và đánh giá phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167 của Thủ tướng về một số biện pháp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Việt Nam bắt đầu sản xuất sữa từ những năm 60 nhưng tới năm 2001 mới có chủ trương phát triển mạnh và quy củ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167. Sau 13 năm, chăn nuôi bò sữa Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Năng suất sữa bình quân hiện đạt 5,18 tấn/bò sữa, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (3,2 tấn/bò sữa), Indonesia (3,1 tấn/bò sữa), Trung Quốc (3,4 tấn/bò sữa)… Cũng nhờ lĩnh vực chăn nuôi phát triển, hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư vào ngành chế biến sữa theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp như TH True milk, Vinamilk…
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng xây dựng kế hoạch thúc đẩy ngành sữa Việt Nam khi đặt mục tiêu đầu tư khoảng 100.000 con bò sữa trong giai đoạn 2014 - 2016. Hiện Hoàng Anh Gia Lai cũng đã có chiến lược phối hợp với 3 doanh nghiệp lớn ở TPHCM để chuẩn bị cả đầu ra cho sữa. Ở khu vực Đông Nam bộ, một số doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang nuôi bò sữa…
Tuy nhiên, đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp nhu cầu và đáp ứng đủ cho công nghiệp chế biến sữa (sản xuất sữa trong nước mới chỉ chiếm 28% trong tổng lượng sữa có mặt tại Việt Nam) nên phải phụ thuộc vào sữa nhập ngoại.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, để từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, giảm áp lực nhập khẩu sữa, bên cạnh tập trung phát triển các cơ sở chăn nuôi bò sữa lớn, chuyên nghiệp theo công nghệ hiện đại, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam cũng cần song hành phát triển hình thức chăn nuôi nông hộ. Trong đó, các hộ chăn nuôi bò sữa riêng lẻ nên được tập hợp, quản lý theo hợp tác xã để đảm bảo sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và hiệu quả hơn, thuận tiện cho việc thu gom, tiêu thụ.
Ông Dương lý giải: do đặc thù địa lý, Việt Nam không có nhiều diện tích đất đai lớn, khó hình thành những đồng cỏ bạt ngàn để chăn nuôi bò sữa như Hà Lan, Israel... nên việc kết hợp hai hình thức nuôi kể trên sẽ đem lại hiệu quả triệt để. Khi nào mỗi nông hộ cá thể đảm bảo nuôi ổn định khoảng 25-30 con bò sữa thì ngành sữa Việt Nam sẽ có nền tảng để phát triển bền vững, tiến tới dần giải quyết bài toán phụ thuộc vào sữa nhập khẩu.
VĂN PHÚC