Sẵn sàng thay thế lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nếu tiến trình cổ phần hóa (CPH) trì trệ - đó là thái độ quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong Thông điệp đầu năm 2014 và tại hội nghị triển khai kế hoạch CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Thừa nhận đây là “mệnh lệnh thép” phải được thực thi nghiêm túc, nhưng những người chèo lái các DNNN vẫn có không ít “tâm sự”. Từ góc độ quản lý doanh nghiệp, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chia sẻ những khó khăn này. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Cao Sỹ Kiêm thẳng thắn: “Nếu còn trì hoãn được thì nhiều người trì hoãn, bởi làm được là thành tích chung của tập thể, làm hỏng lại phải chịu trách nhiệm cá nhân”.
Nhiều trở ngại lớn
* PV: Xin hỏi ông một cách thẳng thắn: Liệu việc lãnh đạo các DNNN chưa thực sự muốn CPH là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của tiến trình CPH hay không?
* TS CAO SỸ KIÊM: Phải nói đầy đủ thế này: Công tác CPH đang vướng nhiều trở ngại lớn. Đầu tiên, cũng là nguyên nhân lớn nhất, do các DNNN được nuông chiều đã quá lâu, quản lý doanh nghiệp một cách khá rộng tay, trong khi giám sát không chặt, tạo ra tâm lý không muốn CPH, cứ để như hiện nay thoải mái hơn, nên nhiều lãnh đạo DNNN không muốn đẩy mạnh CPH. Thứ hai, vừa qua công tác CPH chỉ đạo chưa chặt, chưa giải quyết kịp thời nên một số trường hợp không đem lại kết quả cao. Những tồn tại này - tuy không phải tất cả - nhưng khiến người ta có cái cớ coi CPH chưa đạt hiệu quả thuyết phục; chưa tạo động lực để người ta phải làm nhanh, làm mạnh. Thứ ba, quy chế của ta chưa thể hiện tinh thần coi đây là việc nhất thiết phải làm ngay, không làm thì đẩy đất nước vào tình thế khó khăn; không làm thì bị kỷ luật…
* Tinh thần của người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo một số bộ ngành có nhiều DNNN thuộc diện này là nếu không tích cực thực hiện CPH thì lãnh đạo DN bị kỷ luật, nhưng đã có trường hợp nào như vậy chưa, thưa ông?
* Quyết tâm là thế, nhưng phải có nhiều cơ chế để giải quyết đồng bộ những cái mắc mớ trên thì “trảm” tướng mới thuyết phục! Nếu không, thay người cũng không giải quyết được, tôi cho như thế.
* Đặt mình vào vị trí lãnh đạo DNNN thuộc diện phải CPH trong bối cảnh hiện nay, ông có tích cực thúc đẩy việc này không?
* Như tôi đã nói, có những cái vướng chưa gỡ được thì người ta muốn làm cũng chưa làm được, chưa làm được cũng chưa chắc bị kỷ luật. CPH xong doanh nghiệp được cổ đông giám sát chặt chẽ, trách nhiệm rất lớn nhưng quyền hạn và quyền lợi chưa rõ ràng, chưa tương xứng nên ai không có năng lực sẽ sợ ngay. Phải theo cơ chế thị trường thực sự, với chức danh giám đốc có thể đi thuê người có trình độ, bản lĩnh. Quan hệ giữa hội đồng quản trị với giám đốc cũng phải đúng theo quy luật thị trường thì việc CPH mới có ý nghĩa thực chất.
Các bộ - ngành tăng tốc trước
* Liệu có thể áp dụng cơ chế thị trường thực sự được không, khi việc CPH có mức độ khác nhau, có những DN mà NN vẫn giữ lại cổ phần chi phối, quan hệ giữa “người của Nhà nước” với các cổ đông khác xử lý như thế nào?
* Đây đúng là một vấn đề có liên quan đến tư tưởng, quan điểm CPH. Tôi cho rằng cái gì khu vực kinh tế ngoài nhà nước làm được và có lợi hơn thì NN không cần giữ lại CP. Đến ngay lĩnh vực ngân hàng, có thể nói là huyết mạch của nền kinh tế như thế mà NN còn cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài thì sản xuất sữa, cao su, thép… NN giữ lại cổ phần làm gì? Thậm chí ngay cả khi DN đang làm ăn có lãi, mình để tư nhân làm, đóng thuế vẫn hơn tự kinh doanh. Hạch toán kỹ cả đất đai, hạ tầng… mà Nhà nước phải bao bọc có khi lợi bất cập hại. Hơn nữa, nó làm cho môi trường kinh doanh thành ra bất bình đẳng vì trong cùng lĩnh vực mà các doanh nghiệp lại hưởng chính sách khác nhau. DNNN chỉ cần biết thông tin sớm, có quan hệ với cơ quan chủ quản để “xin” được dự án là có thể đánh bạt tư nhân rồi, mà khả năng cạnh tranh chưa chắc đã tốt hơn.
Nhưng vấn đề muốn CPH thì phải bán được DN, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều quy định. Đơn cử như tính giá trị đất đai, Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013 đã làm rõ hơn một bước rồi, nhưng vẫn còn tắc. Ví dụ ai quyết định giá, thế nào là sát giá, kiểm soát thế nào? Giao UBND tỉnh định giá, những vùng giáp ranh xử lý ra sao? Không có hướng dẫn cụ thể cái này sẽ khó thực hiện được.
* Vậy vướng nhất vẫn là thiếu quy định chi tiết? Theo ông để mục tiêu CPH 500 DNNN trong hai năm 2014, 2015 thành hiện thực, cần chọn khâu đột phá nào?
* Nên tập trung gỡ ở khâu thể chế. Quy định chi tiết ban hành càng nhanh càng tốt, càng chi tiết càng hay, đảm bảo sự thống nhất càng cao thì khả năng thực thi cao. Và phải theo dõi, uốn nắn ngay ai làm đúng làm sai. Tóm lại, trong 3 khâu: thể chế - chất lượng hạ tầng - cơ cấu nhân lực thì thể chế là trung tâm, đi đầu. Thể chế tốt thì hạ tầng và nhân lực cũng sẽ được cải thiện nhanh chóng.
* Nói vậy thì chính các bộ ngành trung ương mới cần tăng tốc trước, vì họ là địa chỉ xây dựng nên thể chế?
* Đúng thế. Phải chỉ cho lãnh đạo các DNNN cách làm, phải có những cơ chế buộc không làm không được và xử lý khi không làm. Nếu không thì phê bình hay kỷ luật được họ cũng khó chứ không dễ. Ai cũng có cái lý của họ để “cãi” cả, rồi khuyết điểm lơ lửng… Việc tiếp theo là phân loại lãnh đạo DNNN để có hướng hoặc tạo điều kiện cho người ta thực hiện CPH, hoặc đào tạo, hỗ trợ, hoặc thuyên chuyển.
* Kinh nghiệm của công ty cổ phần tư nhân có thể áp dụng được cho các DNNN CPH?
* Tính quyết đoán và tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo công ty CP tư nhân rất cao. Túi tiền của họ trong đó, sai lầm là mất cơ nghiệp ngay, nên trách nhiệm luôn phải đi đôi với quyền hạn, quyền lợi. Thưởng phạt với lãnh đạo DNNN CPH cũng phải nghiêm minh, xứng đáng.
* Cảm ơn ông!
- Tại Hội nghị Đánh giá công tác tái cơ cấu DNNN do Bộ Công thương tổ chức mới đây, khi được hỏi có hay không tâm lý “bị mất quyền” khi DN thực hiện CPH, câu trả lời từ các vị lãnh đạo DNNN rất khác nhau. Với các doanh nghiệp sau khi CPH, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì “gần như không khác gì”, thậm chí còn thoải mái hơn. Trường hợp Nhà nước không còn giữ cổ phần chi phối, câu trả lời thành thật của nhiều vị lãnh đạo là “không vui lắm”. “Nếu tôi có tiền để mua đủ số cổ phần chi phối, cho phép tôi quyết định mọi đường hướng và công việc kinh doanh của công ty thì rất tuyệt vời, nhưng thường thì rất ít cá nhân có khả năng đó. Vì vậy, rõ ràng quyền quyết định bị hạn chế so với trước”, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc một DNNN, nói. |
CẨM HÀ thực hiện