Trong những năm qua, ngành CNTT-TT tại Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, trong đó dịch vụ Internet đã có bước phát triển nhanh và tác động tốt tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, thực sự mang lại những hiệu quả to lớn, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện chính sách mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Từ việc phát triển của Internet, nhiều nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đã nghiên cứu đưa ra các trò chơi game nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
Cùng với sự phát triển chung của Internet, các đại lý Internet công cộng đã đóng góp tích cực cho việc phổ cập dịch vụ Internet đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của loại hình cung cấp dịch vụ này, nhiều điểm truy cập Internet công cộng đang kinh doanh dịch vụ Interne và các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý Internet, quản lý trò chơi trực tuyến, để người sử dụng tùy tiện truy cập đến các thông tin thiếu lành mạnh gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Để có thể quản lý một cách triệt để, ngày 1-6-2006, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA về quản lý trò chơi trực tuyến đã được ban hành và có hiệu lực ngày 1-7-2006. Theo quy định của Thông tư liên tịch này, các trò chơi trực tuyến khi được cung cấp cho công cộng phải đáp ứng đủ các điều kiện như: phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, văn bản của Bộ VHTT đồng ý về nội dung kịch bản của trò chơi và văn bản xác nhận của Bộ BCVT trên cơ sở thống nhất với Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ.
Và sau Thông tư liên tịch số 60, các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng được ban hành như: công văn 1515/BBCVT-VT ngày 1-8-2006 về hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến của Bộ BCVT, công văn số 2546/BBCVT-VT ngày 16-11-2006 về hướng dẫn kiểm tra trò chơi trực tuyến của Bộ BCVT và công văn số 685/SBCVT-BCVT ngày 28-11-2006 về hướng dẫn lập hồ sơ báo cáo kỹ thuật nghiệp vụ cung cấp trò chơi trực tuyến của Sở BCVT.
Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 60 ra đời và đi vào cuộc sống, trật tự cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đã được thiết lập. Thanh tra Sở BCVT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ việc cung cấp 13 trò chơi trực tuyến đối với 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại TPHCM vì đã phát hành trò chơi trực tuyến cho công cộng khi chưa có giấy xác nhận của Bộ BCVT về việc đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ cung cấp trò chơi trực tuyến.
Sau nhiều lần làm việc, kiểm tra thực tế, nhắc nhở và gia hạn thời gian Cho công ty VinaGame nhưng công ty vẫn chưa hoàn tất việc triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý trò chơi, đặc biệt là việc hạn chế các yếu tố khuyến khích người chơi tiếp tục chơi một cách triệt để theo quy định của Thông tư số 60 và các văn bản hướng dẫn liên quan, ngày 6-11-2006 Sở BCVT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Internet đối với hành vi cung cấp trò chơi trực tuyến Ragnarok khi chưa có giấy xác nhận đáp ứng đủ các điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ cung cấp trò chơi trực tuyến của Bộ BCVT.
Tuy nhiên, cho đến ngày 29-3-2007, Công ty VinaGame vẫn chưa hoàn tất việc triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý trò chơi trực tuyến, nên đã bị cưỡng chế ngừng cung cấp trò chơi Ragnarok.
Hiện tại cả nước có 10 doanh nghiệp cung cấp chính thức 16 trò chơi trực tuyến cho công cộng, riêng tại TPHCM có 6 doanh nghiệp cung cấp 9 trò chơi trực tuyến chiếm khoảng 60% thị phần trò chơi trực tuyến cả nước.
Thông qua việc xử lý trò chơi trực tuyến Ragnarok của VinaGame cho thấy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nhà nước, đồng thời các cấp chức năng cần nghiên cứu đưa ra những biện pháp mạnh để các doanh nghiệp phải tuân thủ khi luật pháp đã được ban hành.
Vũ Hương