* Mỗi năm chi 1,7 tỷ USD để trung chuyển hàng hóa
(SGGP).- Trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) giữa kỳ (sẽ diễn ra vào ngày 9-6 tại Kiên Giang), hôm qua (26-5), diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tổ chức ở Hà Nội với sự tham dự của đại diện giới doanh nghiệp trong và ngoài nước và các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện giới doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam cho rằng, năm 2010 là một năm đầy hứa hẹn đối với nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ vượt trên 6,5%.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh cao về chi phí lao động. Tỷ lệ các công ty Nhật Bản ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới là cao nhất trong khu vực ASEAN (58%).
Theo Eurocham, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2010 là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không gia tăng lạm phát, tạo các giải pháp phát triển bền vững trong dài hạn. Nhân tố chính để kinh tế phát triển bền vững là chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp nêu ra 3 vấn đề chính Việt Nam cần quan tâm cải cách, đó là: cơ sở hạ tầng và năng lượng; phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục duy trì việc cải cách thể chế và cải cách hành chính theo hướng hiệu quả hơn.
Theo nhóm công tác hạ tầng của diễn đàn, Việt Nam hiện xếp hạng cuối cùng về chất lượng cơ sở hạ tầng so với các nước láng giềng, và kết quả là các doanh nghiệp trong nước hàng năm phải chi thêm khoảng 1,7 tỷ USD do phải trung chuyển hàng hóa. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam hiện đang rất quan tâm tới vấn đề này. Chương trình kết cấu hạ tầng được Chính phủ coi là khâu đột phá của nền kinh tế.
Theo tính toán Việt Nam sẽ cần khoảng gần 140 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng (viễn thông, bến cảng, sân bay, đường bộ, đường sắt, hàng không) trong 5-10 năm tới. Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cũng như đóng góp từ khu vực kinh tế tư nhân để đáp ứng nhu cầu này.
Các doanh nghiệp tham dự cho rằng mô hình hợp tác công - tư (PPP) sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Mới đây, Chính phủ đã có dự thảo quy chế cho phép tiến hành thí điểm một số dự án hạ tầng theo mô hình PPP. Theo đó, Chính phủ có thể tài trợ tới 30% số vốn cần có, hoặc thậm chí 50% đối với một số dự án có thời gian hoạt động dài hơn, mức thu hồi vốn cao hơn.
Phát biểu với các doanh nghiệp tham dự diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GT-VT Trương Tấn Viên cho biết, đến năm 2015, hạ tầng giao thông của Việt Nam sẽ có bước cải thiện đáng kể khi một số dự án giao thông lớn hoàn thành như: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án nâng cấp cảng hàng không Nội Bài, cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, cao tốc TPHCM - Dầu Giây, cảng Thị Vải - Cái Mép, cảng trung chuyển Vân Phong…
B.MINH
Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển Đó là lời khẳng định của ông Michael W.Michalak, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam trong buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam với 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ”, tổ chức tại Hà Nội ngày 26-5. Ông Michael W.Michalak cho biết, nhìn vào kết quả đạt được trong 15 năm qua, doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ có cơ hội lớn trên thị trường Việt Nam. Cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định và theo dõi những lĩnh vực tiềm năng nhất. Theo đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ có thế mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực: viễn thông, công nghệ thông tin, khai thác dầu khí… Tại buổi tọa đàm, hai bên cũng đã nhìn lại quá trình hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau khi Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) được ký kết vào năm 2001, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có bước chuyển biến tích cực. Năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước mới đạt 1,4 tỷ USD; năm 2009 con số này đã lên tới 15 tỷ USD. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng từ 1,05 tỷ USD năm 2001 lên tới 12 tỷ USD vào năm 2009 |
.