Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, Việt Nam có tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Thế nhưng, chúng ta đang có những bước đi trái chiều so với xu thế chung của nhân loại, khi liên tiếp xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với công suất lớn. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, mỗi năm có khoảng 800.000 người trên toàn thế giới chết do các căn bệnh có liên quan đến nguyên nhân khí thải từ nhiệt điện than, gây ô nhiễm không khí…
Khí hậu khắc nghiệt, khó lường
Nhiều người dân sinh sống tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) than rằng, khí hậu khắc nghiệt, diễn biến bất thường trong thời gian gần đây đã đảo lộn hoàn toàn cuộc sống, sinh hoạt của mọi người. Tác động nặng nề đến việc canh tác hoa màu, cản trở sự phát triển kinh tế của bà con. Chẳng hạn, gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan, như tăng tần suất và cường độ bão lốc, lũ lụt; hạn hán nặng và dài hơn; nắng nóng tăng cường độ; nước biển dâng và ngập úng, xâm nhập mặn…
Theo PGS-TS Bùi Xuân An (Trường Đại học Hoa Sen), một vùng rộng lớn đất trồng lúa và nuôi thủy sản ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ thiếu nước chưa từng thấy trong lịch sử. Hàng loạt hậu quả cho môi trường và dân sinh sống ở vùng nông nghiệp lớn nhất nước đang hiển hiện khi dòng Mekong bên bờ vực của sự suy kiệt. Nước biển dâng cao cùng việc sử dụng nước phía thượng lưu các con sông khiến ảnh hưởng của xâm nhập mặn rất lớn. Điều này tác động đến an ninh lương thực và sinh thái. Thậm chí, quá trình xâm nhập mặn ở mức độ cao có thể hủy diệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tràm ở Cà Mau, Kiên Giang...
Xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng than là đi ngược xu hướng thế giới (Ảnh: THÀNH TRÍ)
Để dẫn chứng về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực Nam bộ, PGS-TS Bùi Xuân An cho biết, tại An Giang, mỗi năm mùa nước nổi mang lại trên dưới 1.500 tỷ đồng thu nhập (từ các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, khai thác sản vật thiên nhiên), tạo việc làm cho trên 650.000 lao động nông thôn trong tỉnh. Thế nhưng, ảnh hưởng do “khan lũ” khiến ngư dân vùng Đồng Tháp, An Giang không thể khai thác thủy sản vào mùa lũ để tích lũy cho cả năm. Ngoài ra, diện tích đất bị xâm nhập mặn, đất bị khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng. Hiện có khoảng 2,1 triệu ha đất ở Nam bộ bị nhiễm mặn và 1,6 triệu ha đất nhiễm phèn, khô hạn. Nhiệt độ không khí tăng cao và hạn hán bất thường…
Bà Aviva Imhof, đại diện Quỹ Khí hậu châu Âu, khẳng định: “BĐKH là có thật. Thống kê cho thấy, nhiệt độ trái đất đã tăng lên 10C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong đó, năm 2015 là năm nóng nhất kể từ năm 1880 đến nay. Nhiệt độ ba tháng đầu năm 2016 đã vượt qua mức kỷ lục này. Một lượng nước đáng kể của Bắc Băng Dương không thể đông trong mùa đông vừa qua. Băng ở đảo Greenland bắt đầu tan sớm hơn mọi năm rất nhiều. Lượng carbon trong khí quyển đã tăng vọt một cách kỷ lục vào năm ngoái. Bên cạnh đó, rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đang trải qua giai đoạn bị tẩy trắng (chết hàng loạt) kinh khủng nhất trong lịch sử. Cháy rừng ở Tasmania thiêu trụi những khu rừng già. Những dòng sông băng tan chảy và mực nước biển dâng cao…”.
Xu hướng toàn cầu dùng năng lượng tái tạo
Bà Nguyễn Thu Trang, điều phối viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), thông tin, nhiệt điện than dự kiến chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất trong 10 - 15 năm tới. Khối lượng than nhập khẩu để phát điện dự kiến vào năm 2030 lên tới hơn 85 triệu tấn, cao gần gấp đôi so với lượng than cung ứng nội địa. Kịch bản này đặt ra câu hỏi lớn với an ninh năng lượng của Việt Nam. Trên thực tế, đây là nguồn điện không được cộng đồng trong nước và quốc tế ủng hộ tiếp tục phát triển vì là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Bên cạnh đó, còn có những quan ngại về ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Trên thực tế, nguồn điện này được cho là có giá thành rẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có đánh giá đầy đủ những tác động, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và xã hội để tính vào giá thành.
Theo bà Aviva Imhof, Việt Nam nằm trong nhóm các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và cam kết giữ nhiệt độ tăng không quá 1,50C. Nếu muốn giữ nhiệt độ Trái đất không tăng thêm buộc phải tính đến giải pháp để các nhà máy điện đến năm 2050 giảm lượng khí thải carbon, hạn chế phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than. Bà Aviva Imhof cho rằng trên thực tế, một số quốc gia lo ngại những tác động ô nhiễm không khí, thay vào đó là những khoản đầu tư cho năng lượng sạch hơn như năng lượng gió, điện mặt trời.
Tại Trung Quốc, đang cắt giảm sử dụng than từ năm 2014 trở lại đây. Ở Ấn Độ, nước này đang trên đà triển khai việc khai thác hơn 100GW năng lượng mặt trời đến năm 2020. Trong năm 2015, nước này đã khai thác gần 20GW năng lượng mặt trời. Từ đó giúp kéo giảm chi phí vốn đầu tư tới 60% trong 4 năm trở lại đây và có thể giảm 40% nữa theo báo cáo của Ngân hàng Deutsche Bank. Hiện tại, năng lượng mặt trời rẻ hơn so với than đá.
Trong khi đó, tại Mỹ hướng tới việc loại bỏ nhiệt điện than. Bằng chứng là nhiều dự án nhiệt điện than đã dừng đầu tư với công suất cắt giảm khoảng 47GW và gần 50GW các dự án khác đang được xem xét loại bỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, sản xuất than đá tại Mỹ đã giảm hơn 50% so với năm 2008. Ngoài ra, một số quốc gia khác ở châu Âu cũng tiến dần đến việc loại bỏ than. Ví dụ như Hà Lan đã đóng cửa 5 nhà máy nhiệt điện than; Đức sẽ đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than vì mục tiêu giảm BĐKH. Hiện châu Âu đạt khoảng 35% (gần mức trung bình) trong việc sử dụng năng lượng tái tạo.
|
THI HỒNG