Mục tiêu của đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) (Thủ tướng đã phê duyệt) là đến năm 2015 sẽ có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này (trong giai đoạn 2012 - 2020) cần có sự chung tay của toàn xã hội. Bởi trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tìm việc như: sức khỏe yếu, trình độ tay nghề chưa cao, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng NKT làm việc còn nhiều hạn chế.
Nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Trung tâm (TT) Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, từ đầu năm đến nay, TT đã hỗ trợ trên 800 NKT có việc làm, đào tạo hơn 800 lượt học viên các lớp cắt may, sửa xe, điện cơ, điện máy, trang điểm…
TPHCM hiện có khoảng 15.000 NKT trong độ tuổi lao động (1% dân số), nhưng số NKT có việc làm chưa quá 40%. Trong đó, số NKT tìm được việc làm chỉ có khoảng 25% duy trì được công việc ổn định. Nguyên nhân thì có nhiều, do điều kiện làm việc của doanh nghiệp còn chưa phù hợp với sức khỏe của NKT. Nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở tại các cao ốc hoặc vùng ngoại thành, khiến việc đi lại của NKT gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến mức thu nhập bình quân của người lao động khuyết tật chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, còn thấp so với yêu cầu trang trải cuộc sống hiện nay.
Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng
Rất nhiều doanh nghiệp, công ty, như 27-7, Điện Quang, Điện tử Ánh Sáng,… sẵn sàng nhận NKT vào làm việc. Nhưng khó khăn ở chỗ làm sao để dung hòa lợi ích giữa người lao động NKT và doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng NKT làm việc còn nhiều hạn chế.
Theo chị Lê Thị Cẩm, Công ty 27-7 (quận Bình Tân): “Công ty tôi nhận NKT vào làm việc từ khi mới thành lập. Trong quá trình làm việc, có một số bạn có cố gắng, nhưng cũng có một số bạn dễ nản lòng. Trong công việc thì công việc nào cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng quan trọng là các bạn phải yêu nghề. Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp về thuế để doanh nghiệp có thể hỗ trợ lại NKT. Có như vậy sự tương tác, hỗ trợ giữa doanh nghiệp và NKT mới bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho NKT TPHCM cho rằng: “Xã hội và cộng đồng nên quan tâm hơn đến việc hỗ trợ những hoạt động vì NKT, hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị các cơ sở dạy nghề cho NKT để phù hợp với thị trường lao động. Cần có những chương trình tiếp cận với NKT ngay tại địa phương để NKT dễ dàng hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với các cơ hội việc làm”.
Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc; cũng là tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn. Vì thế, cần phải có những cách đối xử bình đẳng. Tất cả đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, ngành, đơn vị liên quan và bản thân NKT để vấn đề việc làm ngày càng có những chuyển biến tích cực hơn, giúp NKT ổn định cuộc sống.
Đỗ Ly