Dạy ngoại ngữ không chuẩn, thà không dạy còn hơn

Ngày 17-9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020).
Dạy ngoại ngữ không chuẩn, thà không dạy còn hơn

(SGGPO). - Ngày 17-9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020).

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị nhằm tìm ra  giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ (NN) trong thời gian tới, trước mắt là ngay trong năm học 2016-2017.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu ngành giáo dục không bàn việc đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh, vì đó là đương nhiên, điều cần bàn là trong điều kiện hiện nay cách làm thế nào cho hiệu quả. “Việc dạy và học NN trong thời gian qua có nhiều kết quả, nhưng lớn nhất là bài học kinh nghiệm. Trong đó có thể thấy, nhiều nơi chưa nhận thức đúng vai trò của đề án; nhiều mục tiêu đặt ra quá cao so với thực tiễn, dẫn đến không thực hiện được, dẫn đến việc thực hiện không bám sát thực tế, làm lãng phí đầu tư, hiệu quả dạy và học hạn chế, thể hiện rõ nhất  trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua. Trong điều kiện kinh phí khó khăn mà chúng ta dùng tiền không đúng, không hiệu quả sẽ gây bức xúc”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.

Người đứng đầu ngành giáo dục thẳng thắn, sau 5 năm thực hiện đề án, thấy rõ nhất là đầu tư dàn trải. Phân kinh phí về cho các bộ ngành, địa phương rồi mới triển khai, như vậy là không hiệu quả. Trong khi đó, để nâng cao chất lượng dạy và học NN, vấn đề quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên chuẩn thì không chú trọng đầu tư hoặc đầu tư chưa thỏa đáng, khiến chất lượng dạy và học thấp. Hay như tài liệu, giáo trình dạy NN chưa theo chuẩn khung NN châu Âu, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; dẫn đến tâm lý giáo viên chạy theo các chứng chỉ để đối phó. Phương thức dạy NN chưa đúng, việc dạy và học NN online rất cần trong điều kiện hiện nay thì lại bị xem nhẹ, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thì thiên về  tập trung các lớp vào dịp hè- trong khi thầy cô rất thiếu thời gian.

“Dạy và học NN mà không chuẩn thì thà không dạy còn hơn. Vì các em học sai từ nhỏ thì sau này rất khó sửa. Không phải cứ tốt nghiệp đại học sư phạm NN là dạy được NN, vì phải chuẩn và có kỹ năng. Dạy và học NN hiện nay quá chú trọng hàn lâm”, ông Nhạ nói.  Nhiều em giỏi về ngữ pháp, thi chứng chỉ NN rất cao, nhưng gặp người nước ngoài không  biết nói chuyện. “Dạy và học NN phải hướng về đại chúng, thực hành, ứng dụng, chứ không phải để thi, luyện thi”-Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  nêu và yêu cầu có thay đổi, điều chỉnh việc dạy và học NN trong nhà trường", Bộ trưởng nói thêm.

Ngay trong năm học này, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung vào việc rà soát, củng cố, nâng cao kỹ năng dạy NN của giáo viên; các mục tiêu đề ra phải bám sát  năng lực thực tế của giáo viên. Các địa phương rà soát số lượng giáo viên, đối chiếu chuẩn giáo viên, tiến hành đào tạo lại. Đội ngũ giáo viên dạy NN trong các cơ sở giáo dục phải bám theo năng lực NN 6 bậc để đào tạo, bồi dưỡng lại. “Phải tập trung vào đội ngũ giáo viên. Thiếu thì đào tạo thêm. Yếu thì bồi dưỡng lại.  Yếu quá thì bố trí công việc khác, không để thầy cô quá yếu dạy NN”, ông Nhạ yêu cầu. Trong đó, cần thay đổi cách đào tạo, bồi dưỡng  giáo viên, đề cao phương thức online, đẩy mạnh áp dụng CNTT trong đào tạo thầy cô. Hình thành một số trung tâm học liệu đào tạo trình độ NN cho giáo viên. Cùng với đó, đổi mới công tác kiểm định khảo  thí, làm nghiêm việc chứng nhận trình độ đạt theo khung trình độ 6 bậc.

“Tại thời điểm này chưa thể biết đến bao giờ tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhưng nếu không phấn đấu ngay từ bây giờ, đưa ra kế hoạch, mục tiêu triển khai thì sẽ không thể nào đạt tới mục tiêu đó. Singapore họ mất 38 năm với lộ trình triển khai bền bỉ  để sử dụng tiếng Anh như một NN thứ 2. Chúng ta cũng cần phải đặt mục tiêu phấn đấu”, ông Nhạ cho biết.

Ngay từ năm học này, phải điều chỉnh lại việc thực hiện đề án. Tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, sử dụng lãng phí đầu tư khiến xã hội bức xúc. “Giáo dục phải tạo dựng niềm tin”, ông Nhạ nêu.

Mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ra là học sinh phổ thông nắm chắc ngữ pháp, giao tiếp tiếng Anh cơ bản, sau đó lên đại học lựa chọn ngành nghề với NN chuyên ngành, bảo đảm làm sao tốt nghiệp đại học các em ra trường sử dụng được tiếng Anh.

Trình bày kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó trưởng Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết, mục tiêu tổng quát  là đến năm 2020, đại đa số học sinh phổ thông, người học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn đầu ra về năng lực NN khi tốt nghiệp. Đến năm 2025, đại đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực phải có đủ năng lực NN để sử dụng một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.

 Để đạt tới mục tiêu này, giải pháp đầu tiên mà Ban quản lý đề án đưa ra là hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên NN các cấp học và trình độ đào tạo theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Triển khai dạy và học chương trình NN mới trong các cơ sở giáo dục phổ thông (thẩm định, ban hành chính thức chương trình NN phổ thông (10 năm), trước hết là tiếng Anh vào năm 2016); xây dựng và ban hành chương trình dạy và học một số NN khác (chủ yếu là ngoại ngữ 2) ngoài tiếng Anh trong trường phổ thông.  Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa NN (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Xây dựng hệ thống ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh có thể tham khảo trong quá trình dạy và học. Lựa chọn, sử dụng một số sách giáo khoa, tài liệu dạy học NN của nuớc ngoài phù hợp với mục tiêu, yêu cầu dạy học NN ở các cấp học phổ thông. Triển khai áp dụng kiểm tra - đánh giá đầu ra NN (tiếng Anh) cho học sinh cuối các bậc học theo định dạng bài thi quy định.

Với giải pháp kiểm tra, đánh giá trong giảng dạy NN, Ban quản lý đề án cho biết sẽ xây dựng phương án và tổ chức thí điểm đánh giá năng lực NN của học sinh lớp 5 tiểu học; lớp 9 THCS và lớp 12 THPT theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Triển khai đánh giá diện rộng năng lực NN của học sinh lớp 5 tiểu học, lớp 9 THCS và lớp 12 THPT theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam; đưa Trung tâm đánh giá năng lực NN quốc gia vào hoạt động. Đặc biệt, Ban quản lý cũng đưa ra giải pháp phổ cập giáo dục tiếng Anh các cấp học, tiến tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam..

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục