Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông sử dụng vốn ODA

Một số dự án giao thông lớn sử dụng vốn ODA vẫn đang chậm tiến độ, bao gồm cả dự án do Bộ GTVT và các địa phương quản lý. Có nhiều lý do khiến những dự án này chưa thể cán đích đúng hẹn, Bộ GTVT đã nhận diện những nguyên nhân này và đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án ODA.

Những dự án lỡ hẹn

Trong số những dự án sử dụng vốn ODA do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hiện có 2 dự án đang chậm tiến độ, đó là dự án đường sắt metro Ngọc Hồi - Yên Viên (Hà Nội) và dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (từ cầu Vàm Cống đến tuyến tránh TP Rạch Giá, Kiên Giang). Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có tính chất kỹ thuật rất phức tạp, công nghệ mới nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng, cần nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Sau nhiều lần điều chỉnh phương án phân kỳ đầu tư, Bộ GTVT đã thống nhất, trong giai đoạn 1, dự án chỉ tập trung vào khu tổ hợp Ngọc Hồi với mức đầu tư 19.046 tỷ đồng.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt và tư vấn rà soát điều chỉnh, nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao đi chung cơ sở hạ tầng của dự án đoạn từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phân kỳ cuối cùng là đoạn ga Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên, có chiều dài khoảng 13,32km, bao gồm cả cầu đường sắt sông Hồng, ước tính mức đầu tư khoảng 32.064 tỷ đồng. Do cần có nguồn lực đầu tư rất lớn, để đảm bảo mục tiêu của toàn dự án, Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội có ý kiến trước khi triển khai các bước tiếp theo. 

Với dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, do kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 không đủ đáp ứng nhu cầu của dự án, phải đến tháng 8-2019 mới phân bổ vốn năm 2019 cho dự án, dẫn đến việc các nhà thầu không có vốn giải ngân sản lượng thực hiện. Bên cạnh đó, công tác GPMB tuy cơ bản hoàn thành ở tuyến chính nhưng vẫn còn vướng mắc tại một số vị trí cục bộ. Thêm nữa, các địa phương lại đề nghị bổ sung một số hạng mục cầu kênh mới không có trong thỏa thuận trước đây. Việc khan hiếm vật liệu cát đắp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng tác động xấu đến tiến độ dự án…

Về thời gian hoàn thành dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sau khi dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được điều chỉnh quy mô từ 2 lên 4 làn xe, mốc hoàn thành của dự án được điều chỉnh đến 31-3-2020. Tuy nhiên, do một số khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT lại điều chỉnh cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 6-2020. Hiện sản lượng dự án thực hiện đạt khoảng trên 85%, phần tuyến chính vẫn cơ bản đáp ứng tiến độ đặt ra. Công tác láng nhựa dự kiến hoàn thành trước tháng 7 để không bị ảnh hưởng khi mùa mưa đến. Dự kiến, dự án sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 9 nhưng việc hoàn thành toàn bộ dự án phải đến cuối năm 2020. 

Cần nhiều giải pháp tích cực

Bên cạnh 2 dự án do Bộ GTVT quản lý, một số dự án sử dụng vốn ODA khác tại các địa phương cũng bị chậm tiến độ, ví dụ như dự án metro Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM)… Việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông sử dụng vốn ODA đang thực sự là vấn đề cần được các bộ, ngành, địa phương quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án, từ rà soát, nâng cao hiệu lực quản lý của chủ đầu tư, ban QLDA, các vướng mắc về thủ tục, năng lực nhà thầu, sự phối hợp của các địa phương...

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm tiến độ dự án, xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bố công khai thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng, để cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu khác biết trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu. 

Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông sử dụng vốn ODA ảnh 1 Thi công hầm nhà ga Bến Thành thuộc dự án metro Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, vấn đề quan trọng hơn là phải xử lý rốt ráo các tồn tại trong thực hiện các dự án ODA, để đảm bảo tiến độ cho các dự án mới. Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, tại bước đàm phán hiệp định vay, chúng ta cần đàm phán, thống nhất với nhà tài trợ trong việc phân chia các gói thầu có quy mô, giá trị hợp lý nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước có thể tham gia với vai trò nhà thầu chính, giảm thiểu việc đấu thầu hạn chế giữa các nhà thầu của nước cho vay. 

Về phía vốn đối ứng trong nước, chúng ta cần bố trí đủ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thanh toán kịp thời các khoản thuế, phí, hạng mục được nghiệm thu để giảm thiểu ảnh hưởng đến nguồn tài chính của nhà thầu và tiến độ thực hiện hợp đồng. Chính quyền địa phương cần bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng lưu ý một vấn đề cần được quan tâm nữa là, các chủ đầu tư, ban QLDA cần tăng cường, nâng cao năng lực quản lý hợp đồng theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, việc quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình cần đảm bảo tuân thủ các điều khoản quy định trong hợp đồng, chỉ dẫn kỹ thuật và các quy định pháp luật liên quan.

Tin cùng chuyên mục