Là một trong những giáo viên nhỏ tuổi nhất của Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5) với thâm niên đứng lớp chưa đầy 5 năm, nhưng thầy giáo trẻ Huỳnh Thế Nhã đã xuất sắc giành giải nhất phần thi tiết học sử hiệu quả, sáng tạo của hội thi “Tự hào sử Việt” do Thành đoàn TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Thổi hồn cho môn học khô khan
Bảng thi tiểu học, cuộc thi “Tự hào sử Việt” năm nay có 5 giáo viên dự thi. Bốn thí sinh kia đều chọn bài giảng trong SGK, chỉ riêng anh mạo hiểm chọn đề tài không có trong chương trình giảng dạy. Đề tài thí sinh Huỳnh Thế Nhã đã chọn là dạy về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của Hội quán Lệ Châu, một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa. Tuy nhiên, ngay khi bắt tay vào chuẩn bị, hàng loạt khó khăn đã bày ra trước mắt chàng trai trẻ. “Yêu cầu của cuộc thi là tôi phải dạy học sinh của một trường tiểu học ở quận 3. Trước đó, thầy và trò chưa có dịp làm quen, tiếp xúc với nhau lần nào. Bài dạy của tôi về văn hóa người Hoa trong khi lớp học mà tôi sẽ đảm trách không có bất kỳ học sinh nào người Hoa. Mọi khái niệm về khác biệt văn hóa đối với các em đều trở nên lạ lẫm”, Nhã cho biết. Cuối cùng, để hoàn thành tốt phần thi của mình, thầy giáo trẻ đã quyết tâm biến khó khăn thành thuận lợi.
Bài dạy của anh không nhằm mục đích áp đặt vào đầu các em những con số, sự kiện mà chỉ nhằm đặt ra yêu cầu giới thiệu về văn hóa. Anh bày tỏ: “Thường thì cái gì chưa biết, học sinh càng có hứng thú. Điều tôi muốn truyền tải đến các em không phải là kiến thức mà là cảm xúc. Khi đã yêu thích cái gì rồi, các em sẽ có mong muốn tìm hiểu về điều đó”. Bằng cách làm đó, tiết giảng của anh như một chuyến du lịch, dẫn học trò người Việt khám phá văn hóa người Hoa. Lớp học được chia thành nhiều nhóm tham gia vào các trò chơi ráp hình ảnh, xem các đoạn video clip ngắn về Hội quán Lệ Châu - nơi thờ tổ ngành kim hoàn của đất nước.
Tiết dạy dự thi của thầy giáo Nhã nhận được nhiều đánh giá tốt từ hội đồng ban giám khảo và cả chính học sinh anh vừa đứng lớp. Sau tiết dạy ấy, các em học sinh quận 3 đề nghị anh trực tiếp dẫn đi tham quan hội quán ở quận 5 để được mắt thấy tai nghe về di tích lịch sử vừa được học. Anh tâm sự, hồi còn học cấp 3, môn sử không phải thế mạnh của mình. “Tôi học giỏi nhất môn địa với giấc mơ ấp ủ sẽ làm hướng dẫn viên du lịch”, Nhã cho biết. Bản thân anh ngày ấy rất sợ phải học thuộc lòng môn sử với vô vàn những con số, sự kiện khó nhớ. “Nhưng có dấn thân vào rồi mới hiểu, nếu biết cách khai thác, môn sử cũng có hồn và sống động không kém gì môn văn. Tôi muốn thổi vào môn học vốn bị cho là khô khan điều mới mẻ. Dạy sử với tinh thần mình cũng là một người đang tìm hiểu nó, học chung với các em, hiểu các em cần gì để truyền cảm hứng cho học trò”, Nhã chia sẻ. Chính vì thế, những tiết dạy sử của thầy Nhã lúc nào cũng sôi nổi với nhiều hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” như giải ô chữ, ghép tranh tìm nhân vật lịch sử, trả lời câu hỏi đố vui... Nhờ cách dạy này, kiến thức lịch sử mà học sinh nhận được không chỉ bó hẹp trong SGK mà là sự tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu, giúp các em nắm chắc và hiểu sâu hơn những trang sử hào hùng của dân tộc.
Duyên phận
Lý giải cho những sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của mình, Nhã cho biết, anh vốn là người thích phiêu lưu, ưa sự mạo hiểm, rất sợ mình phải làm việc gì cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, dễ gây nhàm chán. Thuở nhỏ, chưa bao giờ cậu bé Huỳnh Thế Nhã nghĩ mình sẽ theo nghề giáo, mà lại là giáo viên tiểu học – công việc vốn đòi hỏi nhiều tính tỉ mỉ, chu đáo, khuôn mẫu của người phụ nữ. Năm đầu tiên về trường tiểu học, thầy giáo trẻ còn gặp nhiều trở ngại bởi chữ viết quá xấu, giọng nói mang âm hưởng miền Tây khiến học sinh nghe không rõ bài giảng. Nhưng ngày qua ngày, từng bước khắc phục hết thảy những khó khăn đó, nghề giáo đã trở thành hơi thở, là tất cả niềm vui, nỗi buồn của anh trong cuộc sống. Hiện tại, một ngày làm việc của thầy giáo Nhã luôn bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và chỉ kết thúc khi đồng hồ đã điểm 12 giờ khuya. Chấm bài, soạn giáo án, phụ đạo học sinh yếu, kém. Cả thứ bảy, chủ nhật, công việc lúc nào cũng chiếm hết quỹ thời gian vốn eo hẹp của anh. Ngày hôm nay chưa kết thúc, người giáo viên trẻ đã vắt tay lên trán suy nghĩ sẽ có những đổi mới gì cho buổi học ngày mai…
Tự nhận xét về công việc mình đang theo đuổi, anh cho biết, nghề giáo tuy không giàu có về vật chất nhưng rất giàu về tinh thần. Phần thưởng cho công sức người giáo viên bỏ ra không phải là đồng lương “đủ sống” mà là sự công nhận, tình cảm yêu thương của phụ huynh và học trò. Riêng đối với những hoạch định trong cuộc đời mình, anh tâm sự: “Nghề giáo như một chuyến tàu bất chợt lướt ngang cuộc đời. Và tôi đã mạo hiểm bước chân lên đó dù chưa có bất cứ sự chuẩn bị gì. Chưa biết ga cuối cùng ở đâu nhưng càng đi, tôi càng thấy yêu quý hơn con tàu này, trân trọng những tình cảm mà học sinh, đồng nghiệp trao tặng. 5, 10 năm nữa có thể xảy ra nhiều biến cố nhưng hình ảnh thầy giáo Nhã đứng trên bục giảng sẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời tôi”. Thế mới hiểu hết ý nghĩa của câu “Cái duyên, cái phận là sợi dây kết nối cả cuộc đời”!
Thu Tâm