Dạy thêm nên dạy qua loa?

Dạy thêm nên dạy qua loa?

 Trong suốt những ngày hè vừa qua, con gái tôi chúi đầu đi học thêm môn văn, vì đây là môn nó học yếu hơn so với các môn học tự nhiên khác như toán, lý, hóa.

Trong bữa cơm trưa, thấy con gái cứ đăm chiêu suy nghĩ, tôi hỏi: “Hôm nay con học bài gì mà suy tư vậy”? “Việt Bắc”, nó đáp lại gọn lỏn. Tôi hỏi: “Con biết bài thơ này ra đời trong hoàn cảnh nào không?”, con gái tôi ngơ ngác không trả lời được. Tôi hỏi tiếp: “Chủ đề tư tưởng của bài thơ là gì con biết không?”, nó càng lúng túng hơn. Cuối cùng nó bảo: “Cái này hình như cô dạy ở trên lớp rồi, còn đây là học thêm cô không bảo không cần học cái đó. Mà con cũng chưa nghe cô nói đến nó nữa”. Tôi yêu cầu con gái cho xem vở ghi.  Thật khó tin, đó là những câu văn loãng, đọc mãi mà không thấy bài thơ Việt Bắc ra đời năm nào? Chủ đề tư tưởng của bài thơ nói gì? Ai là tác giả? Chỉ thấy những dòng văn xa vời vợi như: “Là một trong những bài thơ hay nói lên sự chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta. Trong những ngày đầu cách mạng, họ vượt khó khăn, chấp nhận gian khổ…” Viết như vậy là không nêu được chủ đề tư tưởng của bài thơ, tác giả định nói gì, khắc họa chân dung người chiến sĩ như thế nào trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Nhiều học sinh hiện nay không thích học văn



Đem chuyện kể cho bạn có con gái học cùng với con gái tôi. Chị bạn tôi cũng than: “Con nhà em cũng thế, xem vở chẳng hiểu nó học gì, ghi gì. Chẳng nhẽ bây giờ dạy và học văn khác ngày xưa nhiều đến như vậy”?.

 Hơn ba tháng trước, sau khi đi thi về, con gái tôi mặt ỉu xìu: “Đề không trúng tủ, thất bại rồi, bốn điểm là cái chắc”. Tôi hỏi “Đề văn ra gì?”, cháu trả lời: “Phân tích bài thơ Từ ấy, quá khó!”. Tôi hỏi tiếp: “Con làm thế nào”? Cháu trả lời nhanh: “Thì con tả tâm hồn tác giả như một vườn hoa lá”. Cố nhịn cười, tôi hỏi thêm: “Hai câu thơ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” con hiểu tác giả nói gì không? Nó trả lời tỉnh queo: “Thì con tả trái tim tác giả nóng bừng lên. May mà con không nói đến sức nóng của mặt trời đấy”. Tôi giựt mình, không nghĩ là con gái hổng kiến thức đến vậy?

 Qua hai chuyện từ việc học văn của con gái tôi, tôi thiết nghĩ, việc học văn bây giờ đang là một bài toán cực khó đối với các em học sinh cấp ba, cấp ba, mà nguyên nhân chính của cái khó đó không phải đề khó, mà do cách dạy của giáo viên và cách học thiếu tư duy của học sinh.

Trước hết nói đến cách dạy của cô giáo kể trên thiếu phân tích sâu sắc, không đi tận cùng bản chất tác giả muốn nói gì trong bài thơ ở điều kiện lịch sử lúc đó. Không hẳn cô giáo hạn chế về trình độ, mà do quan niệm “dạy thêm lấy tiền, nay học cô này, mai học cô khác” nên thiếu trách nhiệm. Còn đối với học sinh, do lười tư duy, thiếu động não, không chịu đào sâu suy nghĩ nên chỉ chép những câu văn mẫu mà cô cho ghi ở trên lớp. Và lúc nào cũng có tư tưởng “trúng tủ”, nên khi thi, “lệch tủ” là cắm bút không “rặn” ra được. Cũng chính vì thói quen “ăn sẵn”, không “ tư duy, động não” nên càng học văn, càng thấy hổng kiến thức, càng áp lực, rốt cuộc học nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Vì vậy khi tôi hỏi 4 em học sinh cả 4 đều nói ngại học, không thích học văn, con gái tôi còn thẳng thừng “Con ghét môn văn, mãi mãi không bao giờ thích!”.

Đó chỉ là hai câu chuyện cụ thể tôi mạnh dạn kể ra để thấy rằng, việc học môn văn học của các em học sinh cấp hai, cấp ba hiện nay đang là một “bài toán đặc biệt”. Để giải được “bài toán đặc biệt” này, giáo viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học, đi vào bản chất vấn đề, tránh chạy theo thời gian và phải chấp hành nghiêm ngặt qui luật của nhận thức “Từ trực quan sinh động đến tư duy trìu tượng, từ tư duy trìu tượng mới trở về thực tiễn”. Còn đối với học sinh phải luôn cầu tiến bộ, đào sâu suy nghĩ, chịu khó tư duy độc lập, mạnh dạn hỏi những gì chưa hiểu, chưa rõ, khi năm học mới sắp bắt đầu.

Mai Thắng
(Vũng Tàu)

Tin cùng chuyên mục