Không cho dạy thêm trong trường, giáo viên sẽ dạy “chui”

Là người đứng đầu và chịu trách nhiệm quản lý hoạt động giáo dục trong trường học, ngoài đảm bảo mục tiêu chuyên môn và qui định của ngành GD-ĐT, chúng tôi những hiệu trưởng đều có chung nỗi lo “Làm thế nào để giáo viên yên tâm đứng lớp, dạy học bằng cả lương tâm, trách nhiệm và tạo ra trái ngọt từ thành quả trồng người…”.

Là người đứng đầu và chịu trách nhiệm quản lý hoạt động giáo dục trong trường học, ngoài đảm bảo mục tiêu chuyên môn và qui định của ngành GD-ĐT, chúng tôi những hiệu trưởng đều có chung nỗi lo “Làm thế nào để giáo viên yên tâm đứng lớp, dạy học bằng cả lương tâm, trách nhiệm và tạo ra trái ngọt từ thành quả trồng người…”.

Có thể khẳng định, hầu hết giáo viên đều yêu nghề, muốn gắn bó với nghề, dấn thân vì nghề. Thế nhưng, “có thực mới vực được đạo” và hiệu trưởng nào cũng trăn trở, nặng lòng khi thấy giáo viên, nhân viên của mình không thể sống được bằng đồng lương ít ỏi, nhất là giáo viên trẻ mời vào nghề. Vì thế, ai cũng phải tìm mọi cách để có thêm nguồn thu, tăng thu nhập hoặc thưởng cho giáo viên vào dịp tết đến xuân về, hay món quà động viên họ có thành tích nổi bật trong chuyên môn, tận tụy với học sinh… Nhưng với những trường nghèo như trường tôi, mặt bằng nhỏ hẹp, sân chơi cho học sinh còn thiếu thì không thể có thêm nguồn thu nào từ cho thuê mặt bằng, được phụ huynh hỗ trợ... Vì thế, hoạt động dạy thêm trong trường học là nguồn thu chính đáng để nhà trường cải thiện đời sống giáo viên, nhân viên, giúp họ yên tâm đứng lớp, cống hiến đam mê cho nghề gieo chữ.

Vì thế, nếu TPHCM cấm dạy thêm trong trường thì tôi xin đóng góp một số ý kiến và mong mỏi lãnh đạo TPHCM lắng nghe, có hướng giải quyết bài toán này đúng hướng, không làm xao lòng, day dứt trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chúng tôi.

Thứ nhất, thực hiện quyết định số 21 của UBND TPHCM về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn TPHCM là đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh có nhu cầu bổ sung, nâng cao kiến thức. Thứ hai, nó tạo điều kiện cho giáo viên tăng thu nhập và từ nguồn thu này ( 60% dành cho người đứng lớp), còn lại 40% trích làm quỹ phúc lợi, dùng để khen thưởng giáo viên, nhân viên dịp cuối năm. Như thế, nguồn quỹ phúc lợi này cũng san sẻ quyền lợi, góp phần tăng thu nhập cho những giáo viên dạy môn phụ, nhân viên không có điều kiện dạy thêm, làm thêm.

Thứ hai, việc thành lập trung tâm văn hóa ngoài giờ tại trường sẽ quản lý được đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy, mức thu học phí và nộp thuế 10% theo qui định của nhà nước. Việc đăng ký học thêm tại trường hoàn toàn tụ nguyện và nhà trường cũng quan tâm, miễn giảm, phụ đạo miễn phí  cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như thế, triển khai dạy thêm ở trường học giải quyết được nhiều vấn đề và quan trọng là ban giám hiệu quản lý được giáo viên, chất lượng giảng dạy, mức học phí. Cụ thể, mức thu học phí học thêm trong trường chỉ bằng 1/3 đến ½ so với học thêm bên ngoài là trung tâm hoặc điểm dạy riêng lẻ của giáo viên.

Còn bây giờ cấm DTHT trong trường thì giáo viên phải ra ngoài dạy “chui” để cải thiện thu nhập và ban giám hiệu nhà trường không thể quản lý cũng như theo dõi “bắt tại trận”. Và diễn biến phức tạp này sẽ khiến hoạt động DTHT tràn lan hơn, biến tướng hơn và khó kiểm soát hơn.

Nếu TPHCM cấm dạy thêm trong trường học, là cán bộ quản lý chúng tôi sẽ chấp hành. Thế nhưng, trước mắt, nhà trường sẽ giải tán trung tâm dạy văn hóa ngoài giờ như thế nào trong khi qui định 21 của UBND TP và Thông tư 17 về quản lý DTHT của Bộ GD-ĐT cho phép dạy thêm trong trường học? Thực ra bài toán quản lý DTHT đã được bàn thảo rất nhiều lần và trước đây TPHCM, ngành GD-ĐT cũng từng không cho phép DTHT trong trường học nhưng mới đây lại cho thành lập trung tâm văn hóa ngoài giờ để triển khai DTHT. Chủ trương này đã giúp ổn định tâm lý cho giáo viên, tạo điều kiện cho ban giám hiệu nhà trường quản lý hoạt động này chặt hơn, hiệu quả hơn. Để giáo dục trở thành quốc sách và TPHCM sẽ vươn lên vị trí đầu đàn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thì rất mong TPHCM sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên-những người trực tiếp thắp lửa, gieo mầm tri thức cho học sinh, làm giàu nguồn nhân lực cho đất nước. Hơn ai hết chúng tôi hiểu con thuyền giáo dục của nước nhà đang tụt hậu và tròng trành vì thiếu lực , thiếu điều kiện để vươn lên. Trong quá trình chấn hưng giáo dục, có rất nhiều việc phải, làm quyết liệt như xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đầu tư trường lớp hiện đại, giảm sĩ số xuống còn 30-35 học sinh/ lớp…

Trước tiên, để sự nghiệp đổi mới giáo dục đạt hiệu quả như mong muốn thì  phải quan tâm đến người thầy, vì họ mới là người kiến tạo thành công, tạo ra sự đột phá trong đổi mới, tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chất lượng cao. Chỉ cần có thu nhập ngang bằng những ngành nghề khác trong xã hội và sống được bằng lương, có điều kiện tái tạo sức lao động, có cơ hội trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…thì đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sẽ sống hết mình với nghề, sẽ tạo ra những tiết giảng hay nhất, hiệu quả nhất. Khi đó, học sinh sẽ không cần học thêm và giáo viên cũng chẳng muốn dạy thêm làm gì.

qvnguyen…@gmail.com

(Hiệu trưởng một trường phổ thông ở TPHCM)

Tin cùng chuyên mục