Dạy tiếng Anh các môn khoa học - Sẽ chuẩn giáo trình chung từ năm học 2012 - 2013

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2012 - 2013 sẽ có thêm 6 trường THPT trên địa bàn TP triển khai chương trình dạy tiếng Anh các môn khoa học, nâng tổng số trường tham gia thí điểm lên 10 trường. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2012 - 2013 sẽ có thêm 6 trường THPT trên địa bàn TP triển khai chương trình dạy tiếng Anh các môn khoa học, nâng tổng số trường tham gia thí điểm lên 10 trường. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.

- Đề nghị ông cho biết vài nét về chương trình dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ở trường THPT hiện nay? Có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện?

- Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG: Triển khai thí điểm chương trình dạy tiếng Anh các môn khoa học là một trong những nội dung của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, thực hiện theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30-9-2008. Tại TPHCM, tính đến cuối năm học 2011 - 2012 đã có 4 trường THPT triển khai thực hiện là Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lương Thế Vinh và Trần Đại Nghĩa.

Dự kiến năm học 2012 - 2013 sẽ có thêm 6 trường tham gia thực hiện là THPT Gia Định, Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Hùng Vương, Nguyễn Thượng Hiền và Mạc Đĩnh Chi, nâng tổng số trường tham gia thí điểm lên 10 trường.

Qua hơn 4 năm thực hiện, chương trình đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu học các môn khoa học bằng ngoại ngữ của học sinh phổ thông, tạo điều kiện cho các em dễ dàng hội nhập khi du học quốc tế. Song, cái khó lớn nhất hiện nay của chương trình là vấn đề đào tạo và bổ sung nguồn giáo viên có tay nghề.

Sở GD-ĐT TPHCM đã đặt hàng các trường đại học sư phạm thực hiện kế hoạch bồi dưỡng ngoại ngữ cho sinh viên nhằm chuẩn bị đội ngũ cho việc triển khai mở rộng chương trình. Tuy nhiên, khi nguồn lực này chưa đủ đáp ứng, các trường có thể linh hoạt sử dụng nguồn giáo viên hiện có của đơn vị, kết hợp bồi dưỡng thêm về năng lực ngoại ngữ.

Hiện nay, sở đang soạn thảo đề án bồi dưỡng ngoại ngữ ngắn hạn cho giáo viên bậc trung học, trình UBND TPHCM xem xét, cấp kinh phí.

- Ngoài giáo viên, chuẩn giáo trình hiện nay cũng là một trong những vấn đề được các trường quan tâm khi đăng ký tham gia thí điểm. Trong năm học tới, sở sẽ có thêm hướng dẫn gì về vấn đề này?

- Hiện nay, 4 trường đã tham gia thí điểm đều chọn hình thức dịch lại kiến thức từ sách giáo khoa, kết hợp tham khảo thêm một số nguồn tài liệu sẵn có của nước ngoài. Tuy nhiên, theo định hướng của Bộ GD-ĐT, đây không phải là cách làm hiệu quả.

Do đó, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM đang tiến hành nghiên cứu, thẩm định một số tài liệu giảng dạy tiếng Anh các môn khoa học do các nhà xuất bản uy tín gởi về nhằm chọn lựa ra một bộ giáo trình chung thống nhất.

Dự kiến giáo trình chuẩn sẽ được công bố vào đầu năm học 2012 - 2013. Tuy nhiên, đây chỉ là giáo trình mang tính định hướng, mỗi trường tùy vào điều kiện và khả năng của mình có thể tham khảo thêm các nguồn tài liệu tham khảo khác nhằm chọn lựa ra giáo trình phù hợp nhất cho đơn vị.

- Hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào về thời lượng giảng dạy và học phí đối với chương trình đang thí điểm nên mỗi trường triển khai một kiểu. Trong năm học tới, sở sẽ có thêm quy định gì về việc này?

- Do hiện nay chương trình mới dừng ở mức độ thí điểm, khuyến khích thực hiện nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ của học sinh nên mỗi trường có thể dựa vào thế mạnh riêng của mình triển khai theo hình thức khác nhau. Tuy nhiên, chưa thể xem đây là hoạt động giảng dạy chính khóa, thay thế hoàn toàn sách giáo khoa mà chỉ mang tính ngoại khóa, giúp học sinh bước đầu làm quen với một số thuật ngữ chuyên ngành, nâng cao khả năng tư duy và cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ. Do đó, quy định thời lượng tối đa cho mỗi môn học không quá 2 tiết/tuần.

Về học phí, các trường có thể tự cân đối nguồn ngân sách mở các lớp dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh miễn phí cho học sinh hoặc thu phí dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Ngoài ra, đối với những trường hợp học sinh khó khăn có nguyện vọng theo học chương trình, các trường có thể thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo quy định.


THU TÂM

Tin cùng chuyên mục