Dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh: Thí điểm bài giảng số

Dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh: Thí điểm bài giảng số

Dạy và học các môn toán - khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh sẽ giúp giáo viên, học sinh nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ,tiếp cận và hòa nhập nhanh với môi trường công nghệ giáo dục hiện đại. Thế nhưng, việc mở rộng chủ trương này đang gặp không ít trở ngại về giáo trình, giáo viên, còn học sinh thiếu hứng thú, tương tác với bài học…

        Lợi ích thiết thực

Sau 8 năm triển khai chương trình dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, thầy Trần Đức Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM nhận định, đây là hướng đầu tư đúng và mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh của trường. Không chỉ tìm kiếm nguồn tài liệu, tri thức phong phú trên Internet, nhiều thế hệ học sinh giỏi của trường khi đọ sức, thi thố tài năng ở các cuộc thi quốc tế về các môn khoa học tự nhiên và sân chơi sáng tạo khoa học kỹ thuật đã tự tin giao tiếp, thể hiện năng lực bằng tiếng Anh. “Mới đây nhất, 2 học sinh Trần Thị Diệu Liên và Nguyễn Nam Du của trường đã giành giải nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với đề tài “bảng hiện chữ nổi cho người khiếm thị”. Để giành được chiến thắng chung cuộc và sẽ tham dự kỳ thi quốc tế sắp diễn ra ở Mỹ, 2 học sinh đã trình bày đề tài nghiên cứu bằng tiếng Anh lưu loát” - Thầy Huyên tự hào về thành quả mà trường đã dày công đầu tư dạy các môn toán, khoa học cho học sinh bằng tiếng Anh từ lớp 10. Đúc kết kinh nghiệm thực tế và kết hợp với các trường chuyên ở các tỉnh, thành phố khác, Trường Lê Hồng Phong đã biên soạn giáo trình dạy toán, các môn khoa học và đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận áp dụng cho học sinh các trường chuyên.

Lớp 10A1 Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3 trong giờ học môn toán bằng tiếng Anh. Ảnh: Mai Hải

Lớp 10A1 Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3 trong giờ học môn toán bằng tiếng Anh. Ảnh: Mai Hải

Sau nhiều năm khuyến khích việc dạy toán, môn khoa học bằng tiếng Anh, TPHCM đã triển khai rộng hơn và hiện có 10 trường THPT khởi động chương trình này từ khối lớp 10. Cụ thể, ngoài 2 trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa tổ chức nhiều lớp, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng có 4 lớp, Gia Định 6 lớp, Hùng Vương 6 lớp, Lê Quý Đôn 2 lớp… Riêng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thực hiện từ những năm học trước nhưng mới tạm ngưng từ năm học này. Còn lại một số trường khác được chỉ định dạy thí điểm nhưng chưa khởi động vì nhiều lý do khác nhau. Cái vướng chung là thiếu giáo trình thống nhất, thiếu giáo viên đạt chuẩn tiếng Anh và nhiều học sinh chưa xác định được mục tiêu học để làm gì nên chưa hào hứng hoặc tham gia rồi nhưng rơi rụng dần. Trừ những lớp chuyên, trường chuyên nhờ học sinh có trình độ, năng lực nên hào hứng vào cuộc, còn lại nhiều trường phổ thông khác loay hoay tìm hướng đi hoặc còn nhiều băn khoăn nên chưa mặn mà đầu tư.

        Công cụ nào hiệu quả?

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thừa nhận, cái khó chung chưa có hướng giải quyết là thiếu giáo trình chuẩn - thống nhất, các trường có đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu năng lực về ngoại ngữ tiếng Anh và ngược lại. Ngành GD-ĐT TP đã đặt hàng tuyển giáo viên toán kèm khả năng giỏi tiếng Anh, nhưng Trường ĐH Sư phạm chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu. Có một thực tế đáng buồn là trong khi Bộ GD-ĐT khởi động, khuyến khích triển khai chương trình này nhưng ở các trường ĐH sư phạm, việc đào tạo cử nhân toán, các môn khoa học vẫn chưa lồng ghép đào tạo tiếng Anh để giáo viên ra trường có thể nhập cuộc. Để tiến hành dạy và học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, nhiều trường phổ thông “tự bơi”, ai có sẵn vốn tiếng Anh thì sử dụng, số khác thì cử giáo viên đi học ngoại ngữ, nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh theo chuẩn. Tuy nhiên, việc “giật gấu vá vai” kiểu này cũng bị động và “mặc cảm” nói tiếng Anh không chuẩn bằng học trò cũng khiến không ít giáo viên chưa tự tin.

Với mong muốn tháo gỡ các rào cản, tìm cho các trường công cụ phù hợp để khởi động và mở rộng chương trình này, Sở GD-ĐT TP cho phép áp dụng thí điểm nội dung bài giảng số từ lớp 1 đến lớp 12 để hỗ trợ việc dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh hiệu quả hơn. Giải pháp bài giảng số (DigiClass) là công cụ hiện đại hỗ trợ giáo viên dạy học hiệu quả và giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh. Hiện nay, bài giảng số, lớp học thông minh được coi là một trong những thành tựu đột phá về công nghệ giảng dạy ở nhiều quốc gia và số lượng học sinh quốc tế sử dụng đã tăng nhanh ở hàng trăm ngàn trường học. Theo TS Nguyễn Quốc Toàn, kho thư viện nội dung số của Công ty cổ phần Giáo dục ISMART bao gồm hàng trăm ngàn nội dung số được xây dựng trên khung giáo trình danh tiếng trên thế giới và việc số hóa bài giảng bằng hình ảnh, phim, kỹ thuật đồ họa 2D, 3D, âm thanh sinh động sẽ thu hút học sinh và quan trọng hơn là hỗ trợ giáo viên dạy học môn toán, khoa học dễ dàng.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục