Dường như học sinh đang mất dần hứng thú với việc học tập, thay vào đó, việc ngồi vào học bài, làm bài và đến trường được các cháu làm giống như một nhiệm vụ, thói quen. Vì sao chúng ta không tạo cho các cháu sự thích thú khi học tập, chẳng phải khi có thích, đam mê, các cháu sẽ làm được hơn mong đợi của người lớn?
Là phụ huynh của một cô bé đang học lớp 5, tôi thấy chương trình giáo dục của chúng ta đang buộc trẻ 3 tuổi phải học cái này, 4 tuổi phải biết cái kia, học sinh lớp 1 chỉ học toán cộng trừ, lớp 3 mới được biết phép nhân chia…
Thiết nghĩ, tư duy giáo dục theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” đã lạc hậu vì không tạo được sự phù hợp, hứng thú cho trẻ. Vì sao chúng ta phải ép trẻ tuổi nào phải mang vừa giày của tuổi ấy trong khi cỡ chân của mỗi cháu lớn nhỏ khác nhau, cũng như khả năng học tập, sức khỏe của mỗi học sinh đều không giống nhau.
Tôi từng cho con học chương trình toán theo phương pháp Kumon của Nhật và phương pháp này có nhiều ưu điểm mà chúng ta có thể học hỏi. Họ đo ni đóng giày cho từng đối tượng học trò sao cho phù hợp nhất với sự phát triển của chính đứa trẻ. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương giáo dục cá thể hóa mà ngành giáo dục đang phát động.
Khi vào lớp, họ khảo sát khả năng của học sinh để thiết kế một chương trình phù hợp, không ít những đứa trẻ 5 tuổi nhưng có khả năng làm việc của một học sinh lớp 6 sẽ được học với chương trình phù hợp với khả năng chứ không phải lứa tuổi. Điều này sẽ khơi gợi sự hứng thú học tập.
Lớp học Kumon bao gồm học sinh đủ mọi lứa tuổi, màu da, quốc tịch ngồi học chung. Mỗi em học theo giáo trình khác nhau và theo phương thức tự học chứ giáo viên không giảng bài chung cho cả lớp, thay vào đó, giáo viên sẽ giải thích theo thắc mắc của từng em. Họ bám sát phương châm phải biết rõ ni chân của từng học sinh để chọn cho mỗi em đôi giày vừa vặn nhất.
Điều quan trọng nhất là cách học này không chỉ dạy kiến thức mà dạy học sinh thái độ học tập tự giác, trách nhiệm, tạo cho học sinh thói quen đúng giờ là ngồi vào bàn học theo kế hoạch. Mỗi em phải có kế hoạch học tập sẽ hạn chế được tình trạng học sinh mê chơi vì không có kế hoạch học tập đúng đắn. Giáo viên sẽ tư vấn một chương trình phù hợp với khả năng của học sinh, gia đình và chính học sinh đó sẽ tự chọn cho mình một lịch học phù hợp.
Giả sử, thời khóa biểu phải học 1 giờ nhưng học sinh hoàn thành bài tập trong vòng nửa giờ với kết quả đúng là có thể kết thúc buổi học, nếu chưa đúng sẽ được giáo viên giải thích lại đến khi hiểu mới được ra về. Họ tập cho học trò thói quen làm bài tập dù ở nhà hay ở trường.
Thế nhưng, học sinh hoàn toàn không bị bắt ép phải học, luyện tập thành gà chọi vì học trò hoàn toàn không có mục tiêu cạnh tranh với ai khác mà chỉ học theo kế hoạch của chính bản thân. Và phương pháp học này đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới nhằm tạo cho học sinh có thói quen lập kế hoạch cho việc học, cuộc sống và phải hoàn thành nó.
LÊ MINH HIỂN