Không thể phủ nhận những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn xã hội ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, xem ra đây vẫn là bài toán khó…
Các môn xã hội bị thất sủng
“Em xin giấy thi để làm nháp hả?” là câu hỏi bất ngờ mà bạn Phạm Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 12 D1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) nhận được khi lần thứ ba xin giấy thi vào giờ làm bài môn Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. “Cả phòng thi gần 40 người chỉ mình em nộp 3 tờ giấy, còn lại hầu hết chỉ làm 1 tờ nên bỗng dưng em thành… người đặc biệt”, Thảo giải thích. Trong khi đó, nhiều bạn chỉ viết qua mặt thứ ba của tờ làm bài thứ nhất đã cạn chữ. Nguyên nhân do trong đề cương ôn tập của nhiều trường, đề bài phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân đã được soạn sẵn. “Kéo lắm cũng chỉ dài hơn một trang giấy”, Thành Nhân, học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chấm thi nhiều năm môn Sử, Trường THPT Gia Định cho biết, không riêng gì Văn hay Sử, giám thị chấm thi tất cả các môn xã hội thường phải “căng” mắt tìm ý trong bài làm của thí sinh, nhiều lúc các em gộp chung hai, ba ý diễn đạt trong cùng một câu cũng phải cân nhắc để cho điểm. Số lượng thí sinh nộp bài trước giờ kết thúc các môn thi tự luận tăng dần qua từng năm, kỷ luật phòng thi nghiêm cũng đồng hành cùng chất lượng bài thi ngày càng sụt giảm, điểm 8 trở lên được xem như hiện tượng. Phổ điểm chủ yếu của các môn này thường ở mức 3 - 4, số bài làm điểm 0 cũng dao động quanh mức 15%-20%.
Lý giải điều này, PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng ban chấm thi môn Sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM cho biết, hiện nay, nhận thức của học sinh phổ thông đối với các môn xã hội còn sai lệch. Ở nhiều trường học, ngay cả môn Văn vốn được xem là một trong hai môn có hệ số điểm cao nhất cũng bị coi gần như môn phụ. Quan niệm sai lầm này đã dẫn đến việc học tủ, bào mòn hứng thú khiến người học không dành nhiều thời gian đầu tư, sáng tạo cho môn học.
Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) cho biết, nhiều nơi, ngay cả ban giám hiệu cũng xem đây là những môn phụ, không cần đầu tư, năm nào thi tốt nghiệp thì tăng tiết, không thì cắt giảm tối đa để nhường giờ học cho những môn khác. Để đảm bảo chương trình, giáo viên chỉ còn cách dạy theo hình thức “tổng động viên”, học sinh tiếp nhận kiến thức một cách thụ động khiến mọi năng lực sáng tạo và tư duy phân tích bị triệt tiêu. Thêm vào đó, dụng cụ hỗ trợ cho việc dạy và học những môn này như mô hình, tranh ảnh minh họa, bản đồ, đĩa phim tư liệu… không được đầu tư khiến môn học vốn đã chay càng thêm chán.
Song, khó nhất chính là môn Giáo dục công dân. Nhiều năm trở lại đây, mỗi lần xã hội “nóng” lên vấn đề gì thì lập tức nội dung đó được đưa vào lồng ghép trong môn học. Từ giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, ma túy, giáo dục kỹ năng sống đến bạo lực học đường, bài trừ game online… môn này đều phải “gánh” hết. Với 45 phút/tuần ít ỏi, giáo viên và học sinh dù chạy marathon vẫn không đáp ứng được khối lượng kiến thức quá tải.
Cải tiến: Muộn còn hơn không
Để khơi dậy niềm đam mê của học sinh dành cho các môn xã hội, cần sự chung tay góp sức của xã hội như cải tiến chương trình, phổ cập hướng nghiệp. Mỗi trường có thể bắt đầu từ những biện pháp nhỏ như duy trì thói quen cho học sinh đọc các bài văn đạt điểm cao đầu giờ, chia sẻ những đầu sách hay, phương pháp học tập tốt trên góc học tập, bảng tin đoàn trường, một số diễn đàn facebook… Riêng đối với sách tham khảo, thay vì lên án, những người làm công tác giáo dục cần có cái nhìn công bằng hơn đối với thể loại sách đặc thù này. Trong đó, vai trò hướng dẫn, định hướng của giáo viên là hết sức quan trọng. Ở nhiều nền giáo dục phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ… sách tham khảo được xem như một trong những kênh tri thức đứng ngang với sách giáo khoa.
Thầy Hoàng Anh Ngọc, Giám đốc Chương trình giáo dục tổng quát, ĐH Hoa Sen bày tỏ: “Năng lực tiếp nhận tri thức và cảm thụ nghệ thuật của học sinh phổ thông nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều em học các môn xã hội như chịu cực hình”. Trong khi đó, ở Đức, một học sinh tiểu học có thể ngồi vẽ hàng giờ một chiếc máy bay hay bày tỏ cảm nghĩ một cách lưu loát về một tác phẩm nghệ thuật nào đó. Ngược lại, ở Việt Nam, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp hoặc đại học, báo chí lại được dịp phơi bày những bài văn cười ra nước mắt, trong đó tên tuổi, tác phẩm của hàng loạt đại thi hào nổi tiếng bị đảo lộn. Đó là chưa kể những lỗi diễn đạt câu, từ ngô nghê. Trước thực trạng đó, từ năm học 2012-2013, Khoa Giáo dục tổng quát, Trường ĐH Hoa Sen mở thêm bộ môn cảm thụ nghệ thuật. “Không mang tham vọng biến sinh viên thành những nhà xã hội học hay nghệ thuật xuất sắc, môn học chỉ nhằm mục đích giúp các em cải thiện hơn năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bày tỏ cái tôi suy nghĩ chủ quan của mỗi người”, thầy Hoàng Anh Ngọc chia sẻ.
Thu Tâm