Dạy và học văn - Cần lo từ gốc

Đọc bài “Dạy văn phương pháp nào hiệu quả?” (Báo SGGP, ngày 27-6-2009), tôi đồng ý với sự lý giải của tác giả Anh Tuấn về thực trạng điểm thi tốt nghiệp THPT môn văn năm nay của một số tỉnh ĐBSCL quá thấp. Chúng ta không thể đổ lỗi cho đề thi khó mà biện minh cho hàng loạt kết quả điểm thi dưới trung bình của học sinh. Là sinh viên chuyên ngành văn học, tôi nghĩ vấn đề là do cách đánh giá và nhìn nhận về môn học này trong mặt bằng giáo dục hiện nay.

Thứ nhất là về đội ngũ giáo viên. Thật khó chấp nhận hình ảnh những thầy cô giáo dạy văn hiện nay ở hầu hết các trường trung học phải vừa giảng bài vừa kè kè trên tay tập giáo án và học sinh chỉ “sao chép” một cách máy móc.

Đòi hỏi cơ bản đầu tiên ở một giáo viên dạy văn là phải có một tâm hồn văn chương đúng nghĩa và giảng bài là thao tác dùng trái tim để đánh thức trái tim. Đáng tiếc hiện nay, trong thời buổi mà các giá trị tinh thần đang có chiều hướng bị các giá trị vật chất chi phối thì những “trái tim văn chương” như thế hết sức ít ỏi. Làm sao học sinh có thể cảm thụ được hết cái hay của một bài ca dao, một bài vè… nếu như người dạy không thể (hoặc không biết) hát, ngâm hay vịnh về nó?

Trong một lần mượn xem đề cương ôn thi tốt nghiệp môn văn của em trai (học lớp 12), tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều lỗi chính tả cũng như cách dùng từ, đặt dấu câu sai. Không biết do người dạy cẩu thả hay “sơ suất”?

Thứ hai, cho đến nay các trang thiết bị và dụng cụ nghe – nhìn hỗ trợ cho việc giảng dạy môn văn gần như chưa có. Học sinh, sinh viên chúng tôi nói đùa, môn văn là môn học chay với “ba không” quen thuộc: không minh họa – không hình ảnh – không âm thanh. Vì vậy, làm sao có thể trách những lầm lẫn đến tội nghiệp của học sinh như “Xuân Quỳnh và Xuân Diệu là hai chị em ruột” hay “Nhà thơ trẻ Nguyễn Trãi đã viết bài thơ…”.

Học văn, bấy lâu nay dường như chỉ đơn thuần là môn học thuộc lòng, bởi lẽ học sinh có mấy lần được nhìn thấy hình ảnh nhà thơ Xuân Diệu đâu mà biết đó là nam hay nữ! Quá trình nhận thức của con người vốn phải đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, vậy thì tại sao người lớn lại buộc các em phải có tư duy trừu tượng (cảm thụ, phân tích, lý giải…) tốt khi chưa cung cấp đầy đủ trực quan sinh động cho các em?

Thứ ba, cách tổ chức kiểm tra, thi cử môn văn ở nhiều trường trung học hiện nay còn quá ôm đồm và nặng về mặt số lượng. Thật khó hiểu tại sao các em phải thuộc lòng, không chừa một câu, bất kể dấu chấm, phẩy những bài thơ dài dằng dặc…

Từ kinh nghiệm học của bản thân, tôi thấy việc học văn ở bậc phổ thông của chúng ta hiện nay chỉ đơn thuần là “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đạt được những yêu cầu mà giáo dục môn văn cần phải có. Bằng chứng là có rất nhiều tác phẩm dù đã được học ở bậc phổ thông nhưng khi lên đến bậc đại học, nhiều học sinh không còn nhớ gì cả. Mọi kiến thức văn chương nếu không được nhắc lại ở bốn năm đại học, thì sau những kỳ thi máy móc ở bậc phổ thông cứ trôi tuột đi mất.

Thiết nghĩ đã đến lúc ngành giáo dục cần có sự chăm lo “công bằng” hơn đối với môn học vốn mang nhiều tính đặc thù này. Văn chương là một cái cây mà nếu không biết cách vun xới, chăm lo từ gốc thì hoa trái sẽ hết sức èo uột, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả rèn luyện tâm hồn cũng như đời sống tình cảm và tinh thần của mỗi người.

THU TÂM (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục