Theo đánh giá của các ngành chức năng, sau nhiều năm lũ nhỏ, năm 2018 nước lũ ở ĐBSCL lên cao, dao động ở mức báo động 2. Do lũ lên nhanh và về sớm đã làm cho khoảng 1.850ha lúa thu đông ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang bị thiệt hại; có khoảng 5.480 căn nhà của người dân ĐBSCL bị ngập; khoảng 2.500 ha vườn cây ăn trái và rau màu bị ngập; hàng trăm ngàn tuyến đường giao thông bị ngập; có khoảng 183.000m bờ bao bị nước lũ tràn…
Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó của các ngành chức năng, nên đã hạn chế thấp nhất những thiệt hại, đặc biệt chưa có thiệt hại về người.
Ông Đỗ Tiến Lanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Về cơ bản mùa lũ năm 2018 được xem là lũ đẹp, mặc dù xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày. Lũ gây một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, hay triều cường gây ngập ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Song, cần thấy rằng lũ mang lại nhiều lợi ích như phù sa, vệ sinh đồng ruộng, nhiều thủy sản… Hiện nay, lũ đã cuối vụ và đang rút nhanh; dự báo nhiều khả năng mặn sẽ xâm nhập sớm, do đó các địa phương cần chủ động giải pháp ứng phó trong mùa khô năm 2019 sắp tới”.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) lưu ý: Các tỉnh ĐBSCL cần làm tốt hơn công tác cảnh báo kịp thời đến người dân nhằm ứng phó phù hợp với lũ, thiên tai. Tính toán lịch thời vụ hợp lý cho vụ lúa hè thu sớm để tránh lũ, khuyến cáo người dân không sản xuất vụ thu đông ở vùng không an toàn; đồng thời kiểm tra và gia cố các cụm, tuyến dân cư, tuyến đê bao... Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL cần sớm báo cáo với Trung ương về việc bố trí nguồn vốn triển khai các cụm tuyến dân cư nhằm di dời khoảng 11.366 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở ở các địa phương ĐBSCL… với tổng kinh phí khoảng 2.348 tỷ đồng. Ngoài ra, chủ động các “kịch bản” ứng phó với lũ lớn ở ĐBSCL, nếu có tình huống xảy ra...