ĐBSCL: Không nên xây thêm nhà máy chế biến thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vùng ĐBSCL hiện có 193 nhà máy chế biến thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm) với tổng công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm. So với năm 2003, số nhà máy nhiều gấp 2,3 lần, tổng công suất thiết kế nhiều gấp 2,7 lần. 

Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang là những địa phương có số nhà máy chiếm trên 53% tổng số nhà máy chế biến thủy sản toàn vùng. Tuy nhiên, do phát triển quá nóng trong khi nguồn nguyên liệu có hạn, các nhà máy chế biến lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu triền miên.

Năm 2003, ĐBSCL chỉ có 83 nhà máy, tổng công suất thiết kế là 444.464 tấn/năm nhưng chế biến thực tế chỉ 222.569 tấn, đạt 50,1% công suất thiết kế. Từ năm 2004 đến năm 2009, số nhà máy tăng dần, từ 96 lên 193 nhà máy, tổng công suất thiết kế từ 496.435 tấn/năm tăng lên 1,2 triệu tấn/năm. Nhưng suốt thời gian trên, do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên mỗi năm tổng công suất chế biến thực tế của các nhà máy chỉ đạt từ 51,7% – 58,6% tổng công suất thiết kế. 5 tháng đầu năm nay, chế biến thực tế của các nhà máy thủy sản trong vùng chỉ đạt từ 40% – 59% tổng công suất thiết kế.

Riêng tại Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, hàng chục nhà máy chỉ huy động từ 35% – 50% công suất thiết kế dẫn đến hàng chục ngàn công nhân bị giảm việc làm. Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2010, nguồn nguyên liệu tại ĐBSCL cung ứng cho các nhà máy chế biến tối đa là 750.000 tấn nguyên liệu, chỉ đáp ứng 62% công suất thiết kế của các nhà máy. Như vậy năm nay, các nhà máy chế biến thủy sản tại đây lại tiếp tục lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu (!). 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch đến năm 2015, sản lượng thủy sản chế biến toàn vùng ĐBSCL là 1 triệu tấn/năm, còn thấp hơn tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến tại đây 200.000 tấn. Do vậy, từ nay đến thời điểm trên, không nên xây dựng thêm các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục