Mấy ngày qua, ngành giáo dục lại gây “sóng gió” dư luận với đề án “đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015” với tổng đầu tư lên đến 70.000 tỷ đồng. Đề án đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, lấy ý kiến các bộ ngành và phải đến khi Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam góp ý kiến cho đề án, các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học mới có dịp phản biện. Với những phản ứng của dư luận, chắc chắn đề án này sẽ phải tính lại để bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Quy trình ngược?
GS Văn Như Cương là một trong những người được mời góp ý cho đề án này. Mục tiêu của đề án là nhằm hoàn thành xây dựng chương trình và biên soạn SGK mới cho bậc THPT để bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Kinh phí thực hiện ước tính 70.000 tỷ đồng.
Theo GS Văn Như Cương, nếu có quyền sử dụng 70.000 tỷ đồng, ông sẽ dùng làm 3 việc: xây 1.000 ngôi trường mới (30 tỷ đồng/trường); phát không SGK cho mọi học sinh trong 5 năm tới; tăng lương cho thầy cô giáo (mỗi người một năm thêm 10 triệu đồng) trong 4 năm tới.
GS Văn Như Cương giả sử cái quyền được dùng 70.000 tỷ đồng đó vì theo quan điểm của ông, thời điểm này chưa cần thiết phải thực hiện việc thay SGK. Thay vào đó với SGK hiện hành, chỉ cần cắt 1/3 nội dung là giảm gánh nặng nhồi nhét cho học sinh.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, đổi mới chương trình, SGK chỉ là công đoạn cuối cùng, trong khi việc đổi mới toàn diện và mạnh mẽ của cả hệ thống giáo dục theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XI mới phải là việc cần phải làm ngay.
Theo GS Chu Hảo, chúng ta còn chưa có đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam”, chưa có “Chiến lược Phát triển Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020” thì làm sao đã có cơ sở định hướng cho những đề án nhỏ như đề án “đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015”.
GS Chu Hảo cũng cho rằng, thay vì tiếp tục thực hiện các đề án đổi mới chắp vá, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ và tốn kém như trong nhiều năm qua, ngành giáo dục phải soạn thảo đề án cải cách toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà. Phải chăng đề án này đã được soạn thảo theo quy trình ngược?
Còn theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, việc đưa ra đề án đổi mới chương trình, SGK lúc này chưa đúng thời điểm. Việc cần làm trước nhất là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đổi mới không chỉ giáo dục phổ thông mà cả giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Khi đã có kế sách đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục tất yếu sẽ phải đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Chưa biết việc lớn làm thế nào mà đã bắt tay vào sửa chữa một bộ phận nhỏ thì bất hợp lý.
Nên điều chỉnh
Khi thông tin đề án này đến với dư luận, hầu hết các ý kiến đều tỏ ra “choáng” với số tiền đầu tư quá lớn (70.000 tỷ đồng). GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong hoàn cảnh dân còn nghèo, đất nước còn đang nhiều khó khăn, chỉ nên thay đổi chương trình, SGK phổ thông nếu thấy đó là một việc quá bức xúc, không làm không được. Còn trong điều kiện hiện nay, hợp lý nhất là chỉ điều chỉnh những nội dung mà các nhà chuyên môn thấy nặng nề, hàn lâm, ít thiết thực và thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học.
Trước phản ứng của các chuyên gia và dư luận, Bộ GD-ĐT dĩ nhiên có cách lý giải của mình. TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng bộ không đi ngược quy trình. Theo ông Chuẩn, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để thực hiện được việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020. Việc đổi mới chương trình – SGK là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đó.
Tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện sẽ được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông lần này, từ cách tiếp cận cho đến các định hướng, nguyên tắc, quy trình; thể hiện qua các phần của bộ chương trình giáo dục phổ thông như: mục tiêu của chương trình, nội dung dạy học, định hướng về phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. ]
Như vậy, việc đổi mới chương trình, SGK lần này là bước đi phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Còn về con số đầu tư 70.000 tỷ đồng của đề án, ông Chuẩn cho hay, chi cho việc biên soạn chương trình - SGK dự kiến chỉ hơn 960 tỷ đồng (chưa đầy 1/70 tổng dự toán); số còn lại chi cho các công việc khác như: Xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý hơn 390 tỷ đồng. Những con số này chỉ mới là ước tính trong bản dự thảo để xin ý kiến các bộ, ngành; sau đó còn tiếp tục tính toán chi tiết và xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp.
ông Chuẩn khẳng định, tất cả mới chỉ là dự thảo của đề án, bộ sẽ phải lấy ý kiến nhiều chiều, lắng nghe các đóng góp phản biện trước khi quyết định hoàn thiện đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Để được thông qua, đề án sẽ phải trình Quốc hội. hy vọng, Quốc hội sẽ có phán quyết sáng suốt có được một đề án đổi mới giáo dục thuyết phục nhất.
Lâm Nguyên