Quy hoạch không gian điều tiết nước
Quản lý nước là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM. Liên quan đến công tác này, TPHCM đã xây dựng khá nhiều đồ án quy hoạch như Đồ án quy hoạch chống ngập nước do mưa, chống ngập nước do triều cường và lũ… Tuy nhiên, còn một đồ án quy hoạch rất đặc biệt: Đồ án quy hoạch không gian điều tiết nước. Đồ án này không chỉ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật mà còn nhấn mạnh đến các giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng vào công tác chống ngập.
Kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng
Như báo SGGP đã đưa tin, Trung tâm Chống ngập TPHCM được giao nhiệm vụ chủ trì và đơn vị nghiên cứu và lập đồ án quy hoạch là Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Đồ án hiện đang được các đơn vị gút lại để sớm trình UBND TPHCM phê duyệt.
PGS-TS Hồ Long Phi, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - người trực tiếp thực hiện đồ án quy hoạch cho biết, đa phần các đồ án quy hoạch thoát nước trước đây, tập trung vào các giải pháp công trình như xây kè, làm cống thoát nước, xây trạm bơm… Trong khi đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết càng ngày càng biến đổi bất thường, khả năng các công trình trở nên “lạc hậu” trước thiên tai là rất lớn. Chính vì vậy, một sự hỗ trợ mềm dẻo hơn, uyển chuyển hơn trong công tác chống ngập là rất cần thiết. Quy hoạch không gian điều tiết nước tập trung vào nội dung này, đặc biệt là xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng vào công tác chống ngập.
PGS-TS Hồ Long Phi nêu ví dụ, quy hoạch không gian điều tiết nước có thể đưa ra các giải pháp kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, như vận động người dân, các doanh nghiệp xây thêm bể chứa nước mưa trong nhà hoặc trong công sở. Bể chứa nước mưa vừa làm chức năng chứa nước, chia tải cho hệ thống cống thoát nước, vừa dùng làm nơi trữ nước mưa và người dân có thể dùng nước này cho một số nhu cầu của mình như tưới cây, rửa xe… Nếu làm tốt cả hai chức năng, bể chứa nước mưa trong nhà dân hay trong công sở không những giúp thành phố chống ngập mà còn giúp thành phố tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho việc sản xuất nước sạch, cung cấp đến từng người dân. Trong các khu đô thị mới, ngoài hệ thống cống thoát nước, TPHCM có thể buộc chủ đầu tư xây dựng thêm hồ điều tiết nước. PGS-TS Hồ Long Phi ước tính, nếu triển khai quyết liệt, trong khoảng 10 năm tới, với hệ thống hồ điều tiết, bể chứa nước... TPHCM sẽ chủ động điều tiết được khoảng 10 triệu m3 nước… ngoài lượng nước sẽ thoát ngay vào hệ thống cống sau mỗi cơn mưa.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Kêu gọi sự tham gia của cộng đồng là vấn đề không đơn giản bởi nó chỉ thành công khi nhận được sự đồng thuận của người dân. Do đó, PGS-TS Hồ Long Phi cho biết thêm, làm từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm là phương châm thực hiện chủ yếu của đồ án quy hoạch này. Trước mắt, những người làm quy hoạch dự định đề xuất triển khai sớm hai công trình: làm hồ điều tiết nước ở khu vực Gò Dưa, quận Thủ Đức và tiến hành cải tạo, chống ngập cho khu vực Bàu Cát - Lạc Long Quân. Xây dựng hồ điều tiết nước ở Gò Dưa là để điều tiết nước cho cả khu vực thấp trũng, nằm dọc sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn… Bài học dự kiến sẽ rút ra ở đây là công tác tính toán, điều tiết dòng nước.
“Công trình, cải tạo, chống ngập cho khu vực Bàu Cát - Lạc Long Quân khác hơn vì đây là khu dân cư hiện hữu, công tác chống ngập phải được cân nhắc kỹ. Ngoài các giải pháp kỹ thuật như cải tạo hệ thống cống, lắp đặt thêm các máy bơm nước… thì vận động người dân, các tổ chức tham gia xây bể chứa nước như thế nào? Người dân cần hỗ trợ gì từ Nhà nước?… Từ thực tế này, những người làm quy hoạch sẽ khái quát và đề xuất cơ chế thực hiện. Những kinh nghiệm từ hai mô hình này sẽ được nhân rộng dần trên địa bàn toàn thành phố” - PGS-TS Hồ Long Phi nói.
Hai giải pháp kỹ thuật để trữ nước
Bên cạnh các giải pháp xã hội hóa, đồ án quy hoạch không gian điều tiết nước còn đưa ra một số giải pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật này khác với các giải pháp kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch thoát nước trước đó ở chỗ, chúng là những công trình mang tính hỗ trợ cho công tác thoát nước của hệ thống cống thoát nước hiện hữu. Cụ thể, chúng sẽ hỗ trợ trong hai tình huống. Thứ nhất, tạm giữ nước khi mưa lớn, hệ thống cống thoát nước không kịp thoát nước. Thứ hai, tạm giữ nước trong tình huống nước thoát ra cống nhưng lại gặp triều cường đang dâng cao.
Ở tình huống thứ nhất, các giải pháp hỗ trợ có thể được áp dụng là lắp đặt các kết cấu rỗng dưới mặt đường. Những kết cấu này đủ cứng để ô tô du lịch hay xe tải nhỏ có thể đi được. Phần rỗng sẽ là phần được dùng để lưu giữ nước mưa. Một khi hệ thống cống thoát nước đã bớt quá tải, nước mưa từ kết cấu rỗng sẽ được cho thoát dần ra cống. Hàn Quốc đã áp dụng và đã rất thành công với giải pháp chống ngập này. Việt Nam có thể tham khảo bởi chi phí đầu tư kết cấu rỗng không quá lớn, khoảng 50 - 100USD/m3. Tình huống thứ hai, biện pháp hỗ trợ chủ yếu là xây dựng các hồ điều tiết nước lớn. Khi triều cường dâng cao mà gặp mưa lớn thì giải pháp hữu hiệu nhất là phải có một không gian đủ lớn để chứa nước. Xây dựng hồ điều tiết nước ở Gò Dưa là giải pháp điển hình hỗ trợ cho tình huống thứ hai, PGS-TS Hồ Long Phi cho biết.
| |
AN NHIÊN