Dễ cháy rừng phân tán

Thứ sáu tuần rồi, ngày 10-4, lại xảy ra vụ cháy đồng cỏ và cây rừng phân tán tại ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM, trong dự án Khu đô thị Tây Bắc TPHCM. Trước đó 2 ngày, cũng xảy ra vụ cháy gần địa điểm này. Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 14 vụ cháy đồng cỏ và cây rừng phân tán ở TPHCM với diện tích thiệt hại gần 24ha ở huyện Bình Chánh (hơn 19ha), Hóc Môn (hơn 3ha), quận 9 (1ha), Củ Chi (0,8ha). Cùng thời điểm này năm rồi có 18 vụ cháy với 40,5ha bị thiệt hại.

Có thể nói, TPHCM đang trong thời kỳ cao điểm của nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao nhất trong năm, đặc biệt năm nay, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, mùa mưa sẽ đến chậm hơn, từ giữa tháng 5 trở đi thay vì cuối tháng 4. Do vậy, khô hạn và nắng nóng vẫn tiếp tục, mặc dù sẽ có một số cơn mưa chuyển mùa trong thời gian tới. Đây cũng là giai đoạn thường xảy ra các vụ cháy rừng ở TPHCM, nhưng đa phần là cháy các cây rừng phân tán, vùng đồng cỏ ở những khu vực trong dự án chưa xây dựng, bỏ hoang; không vệ sinh, quét dọn, theo thời gian lớp thực bì dày lên, rất dễ bắt lửa, nếu như có ai vứt tàn thuốc hay bà con đốt đồng, lửa theo gió bay tới là có thể gây cháy.

Trong số trên 36.700ha rừng và đất rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và quận 9, chiếm 16,4% diện tích tự nhiên của TPHCM là 2.095km2, vùng có nguy cơ cháy cao khoảng 8.700ha ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9 với 19 xã, phường. Trong số này, diện tích rừng thực sự dễ cháy hơn 1.200ha, còn lại, gần 3.200ha là cây lâm nghiệp trồng phân tán (tràm bông vàng, tràm cừ, bạch đàn) và hơn 4.300ha cây trồng khác như mía, đồng cỏ năng… Do đa phần rừng ở TP là rừng ngập mặn ven biển, với chế độ bán nhật triều, nước lên xuống 2 lần/ngày, giúp cho phần lớn diện tích rừng luôn có độ ẩm cần thiết, khó có thể cháy như những cánh rừng ở những tỉnh thành. Theo ông Đào Văn Đang, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm TP, những diện tích rừng có nguy cơ cao lại ít xảy ra cháy do được chủ động phòng tránh.

Vài năm gần đây, hầu hết các vụ cháy là đồng cỏ và cây rừng phân tán ở những dự án đô thị bị bỏ hoang. Việc phòng chống cháy rừng bên cạnh các biện pháp kỹ thuật như tạo đường băng cản lửa, đào mương và bơm nước vào để giữ độ ẩm, dọn dẹp thực bì… còn đòi hỏi ý thức người dân. Ngoài ra, cần có biện pháp phù hợp trong việc nhắc nhở các chủ đất, chủ dự án phải tuân thủ việc phòng chống. Một khi chưa thể quản lý hay chưa kiểm soát được những khu vực nguy cơ, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy thì cháy rừng thật sự ở TPHCM vẫn là nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục