Để đừng chết vì thiếu hiểu biết về... đường sắt

Loạt bài phóng sự “Hành trình qua những “điểm đen” đường sắt” (đăng Báo SGGP từ ngày 1 đến 3-3) đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, những cơ quan có trách nhiệm trong ngành đường sắt và cả những lái tàu đang ngày đêm cầm lái qua những “điểm đen” trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến phản hồi về loạt bài phóng sự trên.
Để đừng chết vì thiếu hiểu biết về... đường sắt

Loạt bài phóng sự “Hành trình qua những “điểm đen” đường sắt” (đăng Báo SGGP từ ngày 1 đến 3-3) đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, những cơ quan có trách nhiệm trong ngành đường sắt và cả những lái tàu đang ngày đêm cầm lái qua những “điểm đen” trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến phản hồi về loạt bài phóng sự trên.

  • Ông TRẦN GIA PHÚ (phường 14, quận 5):
    Xử lý vi phạm giao thông đường sắt còn nhẹ

Từ thông tin của bài viết, chúng tôi thấy các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt xảy ra nhiều năm qua đã không được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật. Chính vì vậy, đã không có tác dụng giáo dục, răn đe.

Luật quy định, đường sắt là đường độc đạo, mọi hành vi lấn chiếm, cản trở giao thông, vi phạm hành lang an toàn phải được xử lý nghiêm, song nhiều năm qua số người vi phạm bị xử lý lại rất ít. Đã đến lúc chúng ta phải có biện pháp mạnh, không thể cứ kêu gọi, vận động, giáo dục mãi được.

Những hành vi tự mở đường ngang trái phép như thế này phải bị xử lý nghiêm. Ảnh chụp tại Thường Tín (Hà Nội. Ảnh: H.N.

Những hành vi tự mở đường ngang trái phép như thế này phải bị xử lý nghiêm. Ảnh chụp tại Thường Tín (Hà Nội. Ảnh: H.N.

  • Ông NGUYỄN VĂN PHÚ HÒA (lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn):
    Công tác tuyên truyền pháp luật còn yếu

Là người trực tiếp điều khiển các chuyến tàu trên hành trình tuyến đường sắt Bắc Nam, tôi thấy ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt của người dân rất thấp. Nhiều đường ngang dân sinh dù không có gác chắn, nhưng khi có tàu đến gần, hệ thống tín hiệu cảnh báo liên tục được phát ra, thế mà người dân vẫn lao ra đường tàu.

Chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt, tôi thấy nếu người dân hiểu biết một chút, thì sẽ không có những cái chết không đáng xảy ra. Cánh lái tàu chúng tôi thường gọi những cái chết này là thiếu hiểu biết về… đường sắt.

Anh em lái tàu chúng tôi chỉ mong sao mọi người tham gia giao thông khi đến khu vực tiếp giáp với đường sắt, chỉ cần chú ý một chút, hoặc có ý thức chấp hành các quy định về sự an toàn, thì tai nạn đáng tiếc sẽ không xảy ra.

  • Ông KIỀU THƯỜNG (công nhân Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng):
    Tất cả vì sự an toàn

Tôi quản lý đoạn đường đèo Hải Vân - đoạn đường sắt nguy hiểm nhất của Đường sắt Việt Nam - có đặc trưng khác với khu vực đồng bằng. Mặc dù, đoạn đường sắt này không có các phương tiện khác lưu thông, song do có nhiều đoạn cua gắt, dốc cao nên sự an toàn được đặt lên hàng đầu.

Thời điểm này, đường sắt đã có một số cải tiến và an toàn hơn so với cách đây hơn chục năm, nhưng vẫn còn nhiều hiểm nguy chực chờ, như đá lở; đường sắt, tà vẹt có sự cố… Điều đó khiến người lái tàu phải rất cẩn trọng khi đi qua đoạn đường sắt này. Trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng đường tàu hay một đường riêng biệt vẫn là mơ ước của toàn ngành đường sắt, nhưng kinh phí cho việc đầu tư này rất cao và không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Để bảo đảm an toàn cho đoàn tàu, theo tôi lãnh đạo ngành cần có chủ trương mang tính vĩ mô. Việc kiểm tra toàn bộ hệ thống đường sắt, tín hiệu, biển báo, rào chắn tại các đường ngang dân sinh… là công việc tiên quyết và quan trọng nhất trong giai đoạn này!

  • Ông TRƯƠNG VĂN CAM (lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng):
    Xây dựng đoạn đường song song và ngược chiều

Tại thời điểm này, trên tuyến đường sắt Việt Nam còn có nhiều cây cầu mà đường bộ và đường sắt sử dụng chung, còn điểm giao nhau với khu dân cư có gác chắn và không có gác chắn nhiều vô kể. Tại tuyến đường sắt do Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng phụ trách việc lái tàu, có cầu Long Đại, tại Km536+275, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tình trạng lưu thông chung cũng tương tự như cầu Ghềnh ở Đồng Nai.

Để khắc phục thực trạng TNGT như vừa qua, theo tôi cũng không khó lắm, nếu ngay bây giờ chúng ta có những giải pháp kiên quyết. Như đã nhắc ở trên, cầu chung Long Đại nằm trên quốc lộ 15B và song song với đường mòn Hồ Chí Minh. Nếu bây giờ các ngành chức năng lập biển báo cấm các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua cầu Long Đại cũng không ảnh hưởng lớn đến giao thông. Bởi lẽ, chỉ cách đó 50m là đến đường mòn Hồ Chí Minh.

Tương tự, tại các điểm ngang dân sinh, chúng ta cũng có cách khắc phục. Đó là việc xây dựng thêm một đoạn đường song song và ngược chiều với chiều đường sắt lưu thông tại đoạn giao nhau. Đoạn đường chỉ khoảng 10m, nhưng đó là tích tắc quan trọng để chủ phương tiện nhìn thấy tàu lửa và có quyết định vượt hay không vượt đoạn giao nhau này.

  • NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG (sinh viên Đại học Luật TPHCM):
    Ước mơ một đường sắt riêng

Đọc loạt bài “Hành trình qua những điểm đen”, tôi đã phần nào thấu hiểu thực trạng của ngành đường sắt, phương tiện lưu thông trước nay được xem khá an toàn. Quy trình chặt chẽ, nhưng chỉ cần một sơ sẩy nhỏ thì tai nạn lại xảy ra.

Theo tôi được biết, hiện nay trên tuyến đường sắt có khá nhiều đoạn được lắp đặt theo công nghệ Nhật Bản và nhiều đoạn đi qua rừng, không có khu dân cư. Do ổn định và không qua khu dân cư, nên một số cung đường được quy định vận hành với tốc độ 90km/giờ. Mong sao đường sắt hoàn toàn riêng. Lúc đó tàu sẽ chạy êm ru, không tiếng còi tàu và hạn chế mức thấp nhất tai nạn. Hy vọng, ngày ấy sẽ không xa! 

HOÀI NAM – ĐOÀN HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục