Để kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không tái ô nhiễm

200 triệu USD là số tiền không nhỏ đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam và tất nhiên càng không nhỏ đối với một TP với ngổn ngang những thách thức về kinh tế, giao thông, môi trường… như TPHCM. Ấy vậy mà một công trình trị giá 200 triệu USD đang có nguy cơ bị đánh hỏng bởi sự vô ý thức của một bộ phận người dân…

200 triệu USD là số tiền không nhỏ đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam và tất nhiên càng không nhỏ đối với một TP với ngổn ngang những thách thức về kinh tế, giao thông, môi trường… như TPHCM. Ấy vậy mà một công trình trị giá 200 triệu USD đang có nguy cơ bị đánh hỏng bởi sự vô ý thức của một bộ phận người dân…

Để cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khỏi ô nhiễm (giai đoạn 1), TPHCM đã phải vay của Ngân hàng Thế giới gần 200 triệu USD. Cùng với số tiền khổng lồ này, rất nhiều hộ dân đã phải di dời để TP tiến hành cải tạo kênh. Chưa hết, để có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khang trang như hiện nay, các kỹ sư, công nhân của các nhà thầu, các tư vấn đã phải miệt mài làm việc trong nhiều năm với biết bao mồ hôi, công sức… Ngày hoàn thành dự án, người dân TPHCM vui mừng bao nhiêu khi thấy dòng kênh tuy chưa sạch hoàn toàn do nước thải sinh hoạt vẫn còn đổ vào đây song đã trong hơn, đặc biệt, không còn rác, thì bây giờ, mỗi lần khi ngang con kênh này, đoạn gần chợ Phạm Văn Hai hay gần cầu Kiệu… có lẽ nhiều người không khỏi đau lòng khi thấy rác bắt đầu… “tái xuất hiện” trên kênh.

Đó là chưa nói đến việc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dòng kênh đen xưa kia trở thành dòng kênh xanh đã làm cho giá trị nhà đất ở khu vực này tăng gấp nhiều lần. Hơn ai hết, những người dân ở đấy phải hiểu điều này. Chẳng lẽ những người ở nơi xa, cất công đi xe, đem bịch rác xuống bỏ trên kênh?... Mà có là ai đi chăng nữa con kênh này cũng là của chung TPHCM.

Có lẽ đã đến lúc, thay vì tập trung giải quyết hậu quả là vớt rác thì TP nên tập trung hơn cho công tác tuần tra, bắt quả tang và xử phạt thật nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi, trong đó có vứt rác xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhất là khi TPHCM đang vay thêm 200 triệu USD để xây hệ thống cống, tách nước thải sinh hoạt khỏi nước mưa và đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải đặt tại quận 2, trước khi cho đổ trở lại vào sông, kênh rạch. Tiền của, công sức và tâm huyết của hàng triệu người dân thành phố trong việc cải thiện môi trường nói chung và cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng phải được giữ gìn, bảo vệ.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục