Theo báo cáo mới đây của Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2015, cả nước xảy ra hơn 7.600 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 1.704 người bị thương và 666 người tử vong. Nếu so sánh với năm 2014 và những năm trước đó, có thể thấy năm 2015 đã kéo giảm được số vụ TNLĐ và số tử vong, là tín hiệu rất đáng để quan tâm. Điều đó cho thấy công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các cơ sở sản xuất, trong các doanh nghiệp đã được chú trọng, đặc biệt là điều kiện lao động đã được cải thiện; ý thức tuân thủ và chấp hành công tác ATVSLĐ của cả người sử dụng lao động và người lao động đã được nâng cao.
Tuy nhiên, trong thực tế, số vụ TNLĐ có thể xảy ra nhiều hơn, số người bị thương, thậm chí là số người tử vong có thể cao hơn con số thống kê do chưa được thống kê một cách đầy đủ. Vẫn có trường hợp sau khi xảy ra TNLĐ, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn cố tình che giấu, không báo cáo theo quy định mà thường âm thầm, thỏa thuận với thân nhân hoặc gia đình nạn nhân. Ngoài ra, mặc dù số vụ TNLĐ theo thống kê, báo cáo đã được kéo giảm nhưng vẫn tồn tại nỗi lo, nỗi ám ảnh do TNLĐ. Có thể thấy, vẫn còn nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hoàn toàn do yếu tố chủ quan và do lỗi của người sử dụng lao động là doanh nghiệp, làm chết rất nhiều người. Mặc dù Bộ luật Lao động đã có hẳn một chương quy định công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và sắp tới đây là Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, nhưng có thể nói, do những quy định của pháp luật lao động còn chưa rõ ràng, mang tính chất chung chung, không làm nổi bật hoặc làm rõ trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ sở sản xuất, trong các doanh nghiệp nếu để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng nên dẫn đến hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường chỉ chú trọng công việc sản xuất mà lơ là, ít quan tâm, thậm chí là còn xem thường công tác ATLĐ.
Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay chế độ báo cáo công tác ATVSLĐ chỉ dựa trên giấy và khi đi kiểm tra công tác ATVSLĐ, cơ quan chức năng thường chỉ kiểm tra hồ sơ được lưu trữ trên sổ sách tại trụ sở làm việc. Cho nên, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường chỉ làm đối phó cho lấy lệ, xong đâu lại vào đấy, chỉ đến khi xảy ra TNLĐ nghiêm trọng chết người hoặc bị thương nhiều người thì cơ quan chức năng mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trong khi đó, nếu đi kiểm tra trực tiếp tại công trường, tại nơi mà nhiều người lao động đang làm việc để kịp thời phát hiện những yếu tố chủ quan, rủi ro có thể làm phát sinh hoặc gây ra TNLĐ nghiêm trọng thì chắc chắn công tác kiểm tra ATVSLĐ sẽ được nâng cao hơn rất nhiều, có thể chấn chỉnh kịp thời và hoàn toàn có thể kéo giảm đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra do yếu tố chủ quan.
NGUYỄN ĐƯỚC