Thương mại điện tử

Để không còn xa

Mới chỉ có 10% website của doanh nghiệp thực hiện thương mại điện tử. Đây là kết quả điều tra mới nhất về vấn đề này được công bố. Tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng gấp gáp và quyết liệt nhưng sự chuẩn bị của các doanh nghiệp – mà cụ thể là vấn đề thương mại điện tử - dường như chưa thấm vào đâu.
Để không còn xa

Mới chỉ có 10% website của doanh nghiệp thực hiện thương mại điện tử. Đây là kết quả điều tra mới nhất về vấn đề này được công bố. Tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng gấp gáp và quyết liệt nhưng sự chuẩn bị của các doanh nghiệp – mà cụ thể là vấn đề thương mại điện tử - dường như chưa thấm vào đâu.

Để không còn xa ảnh 1

Đại diện của Công ty Evina đang giới thiệu với khách hàng cách sử dụng thẻ của Evina thanh toán trong TMĐT.
 

Kết quả điều tra của Bộ Thương mại đối với 230 doanh nghiệp có wibsite cho thấy, 90% website này mới chỉ dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm, trên 40% có cung cấp thông tin về giá cả sản phẩm và cho phép đặt hàng, chỉ có 10% website cho phép thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản. Con số trên được đưa ra tại hội thảo “liên kết cơ hội số” trong khuôn khổ phiên họp Hội đồng châu Á - Thái Bình Dương về thuận lợi hóa thương mại và kinh doanh điện tử (AFACT) lần thứ 23.

Một trong những đơn vị thực hiện đấu thầu và kinh doanh qua mạng khá sớm và thành công là Công ty Dệt Thành Công. Doanh nghiệp này cũng đã phải mất nhiều thời gian để đầu tư cơ sở hạ tầng và huấn luyện nhân viên biết ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh.

Kinh nghiệm cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng không khó, khó hơn chính là làm cho toàn bộ đội ngũ cán bộ ý thức được việc đưa các ứng dụng CNTT này vào phục vụ công tác quản lý, giao dịch thông tin nội bộ và thực hiện tìm kiếm khách hàng trên mạng để thực hiện các biện pháp đấu thầu và kinh doanh qua mạng. Khó khăn ngay từ khâu huấn luyện nhân viên thường xuyên truy cập, ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất và kinh doanh, trao đổi thư từ văn bản trên mạng nội bộ và thậm chí thực hiện hội họp và truyền đạt ý kiến của giám đốc doanh nghiệp đến các phòng ban trên mạng nội bộ.

Cách đây mấy năm, Việc Dệt Thành Công mua 50-60 máy tính nối mạng cho các phòng ban đã làm chấn động dư luận trong ngành. Còn hiện nay, nếu truy cập vào trang web của làng gốm Bát Tràng là có thể thấy hình ảnh, giá cả mặt hàng và các đơn chào hàng của các cơ sở sản xuất gốm trong làng trên mạng. Chúng tôi còn biết một cô gái còn rất trẻ ở Hà Nội, chuyên bán hàng thời trang và đặc biệt là thời trang cho các bà “bầu” khá nổi tiếng. Vừa kinh doanh tại thị trường nội địa, vừa chào bán hàng trên mạng, cô thường có những hợp đồng nhỏ từ Mỹ đặt hàng qua mạng và bên này cứ vậy mà sản xuất và gửi sang cho khách hàng bên kia. Công việc phù hợp với một doanh nghiệp nhỏ ở quy mô gia đình nên mang lại hiệu quả và an toàn.

Hiện nay Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử. Quy hoạch thương mại điện tử cũng đã được Chính phủ thông qua là một cơ sở vững chắc để phát triển thương mại điện tử. Với tốc độ tăng trưởng mật độ người sử dụng Internet là 123%, Việt Nam đã có trên 1,9 triệu thuê bao Internet và gần 6 triệu người sử dụng Internet. Gần đây, Chính phủ đã khai trương cổng Thương mại điện tử, đây là một trong những điều kiện tốt để cho doanh nghiệp bắt đầu triển khai thực hiện những bước căn bản đầu tiên cho kinh doanh qua mạng.

Tại TPHCM, UBND TP cũng đang chỉ đạo quyết liệt chương trình xây dựng cổng thương mại điện tử của TP. Trong đó, nhanh chóng hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin; đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối tại các sở, ngành và quận, huyện, triển khai các phần mềm dùng chung, huấn luyện công chức sử dụng internet và các ứng dụng CNTT để thực hiện chức năng quản lý của Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính và qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, nhìn chung việc thực hiện kinh doanh qua mạng ở các doanh nghiệp cũng mới ở giai đoạn manh nha. Nếu thử truy cập vào một số website của một số doanh nghiệp lớn sẽ thấy sự nghèo nàn trong trình bày, thông tin sản phẩm cũng như việc cập nhật thông tin còn yếu. Dường như việc xây dựng một website chỉ để cho “oai” chứ chưa dùng vào mục đích thương mại thực sự. Khó khăn mà chúng tôi tham khảo từ phía các doanh nghiệp, đó là thiếu người thực hiện, thiếu người có chuyên môn, thiếu vốn… do vậy không thể thường xuyên cập nhật thông tin. Ngay trong ý thức của một số chủ doanh nghiệp, wibsite cũng chỉ làm đẹp cho doanh nghiệp chứ chưa thật sự ý thức đây là một kênh quảng cáo và thực hiện bán hàng hiệu quả.

Hội nhập với kinh tế thế giới, làm ăn kinh doanh qua mạng là rất cần thiết. Do vậy, để đẩy nhanh hoạt động này theo lộ trình đã xây dựng, các chuyên gia cho rằng việc đầu tiên là nhà nước phải có cơ sở hạ tầng kết nối đến các doanh nghiệp, đồng thời những quy định và văn bản luật pháp xung quanh vấn đề thương mại điện tử cũng cần hoàn thiện. Bản thân các chủ doanh nghiệp phải có nhận thức về ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh qua mạng. Có như vậy mới khuyến khích toàn bộ công ty cùng hướng vào mục tiêu đã định và hoàn thiện năng lực của mình nhằm thích ứng với nhiệm vụ chung. 

HOA LÊ

Tin cùng chuyên mục