Để không phải “chiếu cố”

Thí sinh Nguyễn Đức Ngà (xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) thi được 29 điểm, nhưng có bố từng có tiền án vào năm 1993 nên không đủ điều kiện nhập học Học viện Cảnh sát nhân dân. Ngay sau khi biết thông tin này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã gọi điện thoại cho đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) yêu cầu xác minh.

Sáng 21-9, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã nhận được văn bản báo cáo của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của em Ngà, đối chiếu với tiêu chuẩn chính trị, quy định, Bộ Công an đã quyết định chiếu cố tiêu chuẩn chính trị cho em Ngà, để em được vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Tổng cục Chính trị cũng đã có văn bản gửi Công an Nghệ An hướng dẫn em hoàn thiện đầy đủ và trung thực thủ tục theo quy định.

Ngà là một học sinh giỏi, kỳ thi năm nay em đạt 28 điểm khối A và 27 điểm khối B. Với ước mơ trở thành một chiến sĩ công an, Nguyễn Đức Ngà đăng ký xét tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Vinh dự hơn, ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, Nguyễn Đức Ngà cũng nhận được quyết định kết nạp Đảng. Em cũng được tỉnh Nghệ An tuyên dương trong buổi lễ vinh danh học sinh có điểm thi cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2015. Ngày 12-9, Ngà nhận được giấy báo nhập học của Học viện Cảnh sát nhân dân thông báo em trúng tuyển vào ngành nghiệp vụ cảnh sát, tuy nhiên sau đó, khi làm thủ tục hồ sơ thì công an địa phương phát hiện ra án tích của bố em, vì vậy em không đủ điều kiện nhập học. Bố em thừa nhận năm 1993 gây ra một vụ cố ý gây thương tích, bị tòa tuyên 9 tháng án treo; hai năm sau, ông lập gia đình, vì thời gian qua đã lâu nên ông đã không còn nhớ đến.

Như vậy, trong năm nay, Ngà là trường hợp thứ 2 được Bộ Công an chiếu cố tiêu chuẩn chính trị để nhập học trường công an. Trước đó là thí sinh Bùi Kiều Nhi (thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) được 29 điểm khối C trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng không được theo học Học viện Chính trị Công an nhân dân vì bố đẻ từng bị xử phạt 9 tháng tù treo về tội “Chống người thi hành công vụ” 23 năm trước (năm 1992). Điều đáng nói là án tích xảy ra trước khi bố em lấy vợ sinh con, mẹ con em không biết việc này và hiện bố em cũng đã mất. Sau khi thí sinh Nhi kêu cứu, Bộ Công an cũng đã đồng ý cho em nhập học.

Theo quy định của lực lượng Công an nhân dân, thí sinh thi vào ngành phải khai rõ ràng, trung thực trong lý lịch. Về mặt nguyên tắc, đối với việc khai lý lịch khi đăng ký dự tuyển vào các trường Công an nhân dân, người dự tuyển phải đảm bảo khai đầy đủ án tích của người thân trong gia đình dù đã được xóa. Đó là quy định riêng của ngành nhưng vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật và tất cả các trường hợp phải thực hiện nghiêm vấn đề này.

Để chủ động xử lý các phát sinh trong quá trình xét tuyển, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc như hai trường hợp nêu trên, thiết nghĩ Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, công an các tỉnh cần chủ động thông tin tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn tận tình các thí sinh khi làm hồ sơ xét tuyển vào các trường công an các quy định của ngành. Đặc biệt, với những trường hợp cố tình thiếu trung thực trong kê khai lý lịch thì không thể chiếu cố. Đó là tinh thần thượng tôn pháp luật mà hơn ai hết, mỗi thí sinh mong muốn được đứng vào lực lượng Công an nhân dân cần hiểu rõ.


LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục