Để ngày xuân an toàn, vui khỏe

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để có những ngày du xuân vui lễ hội an toàn, khỏe mạnh, đòi hỏi bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe và tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng dịch.
Bệnh nhân đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM
Bệnh nhân đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM

Khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2023 kết thúc thì mùa lễ hội đầu xuân cũng bắt đầu tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lượng người di chuyển giữa các địa phương tăng cao để du xuân và đông người tập trung tại các lễ hội đầu năm là nguy cơ khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để có những ngày du xuân vui lễ hội an toàn, khỏe mạnh, đòi hỏi bản thân mỗi người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe và tuân thủ đầy đủ biện pháp phòng dịch.

Dịch bệnh rình rập

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, tình hình dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được khống chế tốt. Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch do biến thể mới. Hơn nữa, giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Thời gian tới là mùa lễ hội đầu Xuân 2023, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh lây lan, có thể gia tăng số ca nhiễm, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.

GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, hiện nhiều quốc gia đã ghi nhận biến thể mới XBB của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tái nhiễm cao nên yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương cần đẩy mạnh giám sát trong cộng đồng, bao gồm người nhập cảnh đến từ các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh.

Đồng thời chú trọng thu thập mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm biến thể mới, cũng như giám sát các ổ dịch, ca bệnh có diễn biến bất thường về quy mô, tốc độ lây lan. Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine Covid-19; các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án, điều kiện bảo đảm phòng chống dịch. Mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên...

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia y tế, sau Tết Nguyên đán, thời tiết chuyển mùa từ đông sang xuân, đồng thời có nhiều lễ hội tập trung đông người nên các bệnh lý đường hô hấp thường dễ lây lan. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm... cũng rất dễ bùng phát. Đối với những người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, bệnh thận mãn tính… dễ gặp các biến chứng của bệnh do tâm lý chủ quan.

Phòng tránh “ma men”

Trong những ngày đầu năm mới, đi du xuân, gặp nhau uống một chút rượu bia để chúc sức khỏe là nét văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, điều đáng lo là nét đẹp này đang bị lạm dụng quá đà. Nhiều chuyên gia y tế cho biết, uống nhiều rượu bia không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của bản thân mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội. Nguyên nhân của say, ngộ độc rượu, bia là do lạm dụng rượu, bia hoặc uống rượu, bia vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; do sử dụng rượu pha cồn công nghiệp (methanol hoặc ethylene glycol); sử dụng rượu ngâm với thảo mộc, nội tạng động vật nhiễm độc tính.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không uống rượu nồng độ cồn từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và rượu có hàm lượng methanol lớn hơn 0,1%. Không uống rượu ngâm với lá, rễ thực vật và phủ tạng động vật không rõ độc tính. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.

Theo ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, việc uống nhiều rượu bia, ăn những thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ trong dịp tết khiến gan phải làm việc nhiều hơn so với bình thường, trong đó rượu bia là yếu tố nguy hiểm nhất dễ gây ra tổn thương gan và thường dẫn đến viêm gan. Đặc biệt, đối với những người đã có sẵn bệnh xơ gan, viêm gan thì việc uống rượu bia nhiều sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Để đối phó với những buổi tiệc tùng liên tục trong những ngày tết, cánh “mày râu” thường truyền miệng nhau một số bí quyết để uống nhiều mà không say như uống dầu ăn, uống aspirin hoặc paracetamol trước khi uống rượu.

Đây hoàn toàn là những quan niệm sai lầm, không những làm hại sức khỏe mà còn không có tác dụng chống say rượu bia. Bên cạnh đó, việc uống dầu ăn cũng không có tác dụng làm tăng tửu lượng, ngược lại còn gây ra tình trạng khó tiêu và rối loạn tiêu hóa. Dầu ăn làm thức ăn di chuyển xuống ruột chậm lại và nằm ở dạ dày, dẫn đến ngộ nhận rằng người uống không say. Tuy nhiên, khi tất cả lượng thức ăn này đi xuống ruột thì một lượng lớn rượu bia sẽ được hấp thu, dẫn đến say rượu ngay, thậm chí có thể gây ra ngộ độc rượu.

Vui xuân, đón tết không quên tập luyện

Theo ThS-BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong những kỳ nghỉ lễ, mọi người có xu hướng tạm dừng tất cả các việc tập luyện với lý do không có thời gian và sau lễ sẽ bắt đầu lại. Các nghiên cứu cho thấy, nếu ngưng tập luyện trong thời gian ngắn thì cơ thể sẽ trở nên suy yếu ngay chỉ sau một vài tuần. Do đó, cách làm đúng là nên duy trì việc tập luyện ở mức độ vừa phải trong những ngày nghỉ lễ thay vì ngưng hoàn toàn. Ngay cả khi bạn phải giảm thời gian mỗi buổi tập và giảm số lần tập trong một tuần, việc duy trì tập luyện vẫn mang lại rất nhiều ích lợi và giúp cơ thể trở lại với lịch tập luyện thường ngày dễ dàng hơn. Đơn giản và khả thi nhất là thực hiện các bài tập tại nhà và không cần nhiều thiết bị như chạy tại chỗ, đạp xe tại chỗ, nhảy dây, tập thể dục…

Tin cùng chuyên mục