Đề nghị Quốc hội chưa thông qua Luật về Hội

Trọn ngày 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật về Hội. Các ĐBQH nhất trí cao với việc ban hành Luật về Hội nhằm bảo đảm quyền của công dân, phát huy và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước với hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.
Đề nghị Quốc hội chưa thông qua Luật về Hội

Trọn ngày 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật về Hội. Các ĐBQH nhất trí cao với việc ban hành Luật về Hội nhằm bảo đảm quyền của công dân, phát huy và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước với hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng TPHCM phát biểu góp ý dự án luật về hội

Cán bộ, công chức bị hạn chế quyền lập hội

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về Hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội. Theo đó, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công. Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật Cán bộ, công chức liên quan đến bí mật nhà nước, dự thảo luật cũng quy định: cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó, mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) phân tích, hiện nay đang có tình trạng lập hội tràn lan, lập hội trên mạng, hoạt động có nhiều biến tướng, lợi dụng danh nghĩa của hội để hoạt động phi pháp như rửa tiền, hối lộ... Vì vậy, đồng ý phải có quy định chặt chẽ về lập hội, về con người, trụ sở, tài chính. ĐB Đào Thanh Hải cũng cho rằng, nên bổ sung thêm quy định về đối tượng bị hạn chế quyền lập hội, ví dụ những người đã từng làm phương hại đến lợi ích quốc gia. ĐB Cao Đình Thường (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo cần quy định rõ hơn là những cán bộ, công chức không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo hội có liên quan đến lĩnh vực công tác trước đó của cán bộ, công chức. Vì có những cán bộ, công chức hoạt động lĩnh vực này nhưng sau khi nghỉ hưu họ  lại sáng lập, lãnh đạo hội khác không liên quan đến công việc trước đó, thì không nên hạn chế đến 5 năm.

Nên bỏ quy định không cho hội nhận tài trợ

Luật cũng quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Đây là một trong vấn đề được ĐBQH thảo luận sôi nổi nhất. Đa số ĐBQH khi trình bày quan điểm của mình đều cho rằng quy định như trên là không hợp lý, sẽ làm hạn chế mối liên kết của nhân dân với thế giới. Nhiều ĐB cho rằng, dự thảo cần cân nhắc quy định linh hoạt, mềm dẻo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống, vì có một số hội vẫn có nhận tài trợ từ nước ngoài như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các hội chuyên môn khác... Cần cân nhắc kỹ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, trường hợp nào không được nhận tài trợ từ nước ngoài. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các hội chủ động tham gia hội nhập quốc tế trong chuyên môn của mình, đồng thời thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với mọi sự hỗ trợ của thế giới. Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), tổ chức hội liên kết, nhận hỗ trợ nước ngoài sẽ góp phần đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao nhân dân. Còn những hội lợi dụng liên kết, nhận tài trợ để vi phạm pháp luật thì chúng ta đã có quy định ngăn chặn, xử lý. “Nhiều điều trong luật nặng về quản lý nhà nước không mở ra mối quan hệ, mở rộng quyền con người, công dân trong hội nhập”, ĐB Nguyễn Văn Sơn nói.

Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)... khi cho rằng, cần bỏ tư duy không quản được thì cấm. Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), nếu với quy định như vậy là “chặn hết đường về của những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc muốn trở về”. Thay vào đó, cần khuyến khích sự hỗ trợ của thế giới về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa thảm họa..

Không nên vì áp lực mà vội thông qua luật

Nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều vấn đề dự thảo luật vẫn chưa rõ. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), cần quy định rõ “không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước”, vì bài học về việc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đứng ra công bố về arsen trong nước mắm truyền thống vừa qua là ví dụ. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì phân tích, đây có lẽ là dự án luật nâng lên đặt xuống nhiều nhất sau nhiều lần soạn thảo. Theo ông, chúng ta quyết tâm thông qua dự thảo luật, đến dự thảo lần này đã có nhiều khác biệt so với dự thảo những lần trước. Nhưng tâm thế vẫn còn nhiều bất ổn. Luật này phải hướng đến quyền lập hội của con người - một quyền tự thân. “Nhưng dự luật này đi nhiều những vấn đề thủ tục, có nhiều nội dung còn lúng túng, ví dụ như vấn đề liên kết với nước ngoài, trong khi đó, rõ ràng nếu hội sử dụng nguồn tài trợ để sử dụng vào mục đích phi pháp thì hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng luật khác” - ĐB Dương Trung Quốc nói. Lịch sử chứng minh con người Việt Nam có nhu cầu tự thân lập hội ngay từ buổi đầu cũng như trong  suốt quá trình lịch sử cách mạng. Vì thế, luật phải sớm ra đời nhưng chắc chắn chưa thể thông qua trong kỳ họp này vì còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật về Hội là xác đáng, đúng thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Với mục đích tạo điều kiện tốt hơn cho các hội hoạt động, theo khung khổ của pháp luật và Hiến pháp 2013, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết ban soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét những vấn đề quan trọng của dự thảo luật mà các ĐBQH quan tâm. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Quốc hội cho thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh dự thảo để có sự đồng thuận cao trong xã hội, sự đồng thuận của các đối tượng bị điều chỉnh và các ĐBQH. Kết luận phiên thảo  luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của ĐBQH và sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần chuẩn bị một luật tốt về hội, đảm bảo chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý nhà nước.

PHAN THẢO - NGỌC QUANG


Phải bảo đảm không có chuyện “hạ cánh an toàn”

Thông báo kỳ họp thứ VII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 24-10 đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016; cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này:

- PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, nhất là được xử lý ngay sau khi có đánh giá về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Điều đó khẳng định quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, liên quan đến việc “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”, được đảng viên và nhân dân ủng hộ. Việc công bố hình thức thi hành kỷ luật cho thấy Đảng lần này làm rõ địa chỉ, rõ cơ quan đơn vị vi phạm. Ở đây không có chuyện “hạ cánh an toàn”, vi phạm thì kể cả đã thôi công việc hoặc đã chuyển công việc khác đều phải thi hành nghiêm kỷ luật của Đảng. Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kỷ luật Đảng, kỷ luật Đảng là cơ sở xử lý bên chính quyền, Nhà nước. Từ kỷ luật Đảng đi đến xử lý bằng pháp luật chứ không chỉ dừng kỷ luật Đảng. Với những trường hợp đã bị thi hành kỷ luật Đảng sau này phải tiếp tục điều tra làm rõ sự liên quan đến chuyện tham nhũng làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mà Trịnh Xuân Thanh đã làm. Tất cả phải được xem xét đầy đủ về phương diện pháp luật, nếu có những yếu tố vi phạm pháp luật hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ kỷ luật Đảng. Nếu có liên quan đến chuyện lợi ích nhóm, chống tham nhũng thì phải tiếp cận đến nơi để xử lý triệt để.

- Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Việc xử lý vi phạm trong Đảng cần thực sự nghiêm minh

Đây là bài học lớn đối với các cấp, các ngành đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng trong chống tiêu cực. Nhân dân đang rất mong Đảng cần kiên quyết  hơn, phải tự loại bỏ những kẻ thoái hóa biến chất, tự chuyển hóa. Việc xử lý vi phạm trong Đảng cần thực sự nghiêm minh, chức vụ càng cao kỷ luật phải càng nặng chứ không chỉ ở mức cảnh cáo “xuê xoa” cho qua chuyện, sẽ không đủ sức răn đe. Qua bài học lớn này phải kiên quyết, kiên trì làm mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh nhằm tạo niềm tin trong nhân dân.

- Luật sư Lê Đức Tiết, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Phải quyết liệt hơn nữa

Việc Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trong quá trình điều động bổ nhiệm nhân sự là dấu hiệu chống tiêu cực mạnh mẽ của Đảng. Điều đáng trách ở đây là những người được giao quyền lực, có trách nhiệm nhưng lại vụ lợi. Đối với những trường hợp quy hoạch cán bộ không đúng nguyên tắc, quy trình tại Bộ Công thương cần phải bố trí sắp xếp công việc khác. Ủy ban kiểm tra Trung ương cần làm và phải làm thường xuyên, quyết liệt hơn nữa những việc tương tự để có tác động đến những người giữ chức vụ quan trọng.

LÂM NGUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục