Đề nghị thu hẹp vùng cấm kinh doanh

(SGGPO).- Sáng 16-5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI)” tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm góp ý về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 để kịp trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới (tổ chức vào cuối tháng 5); định hướng FDI trong thời gian tới và những giải pháp hữu hiệu để thực hiện định hướng…

Phát biểu quan điểm về hai dự thảo Luật nói trên, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh: “Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần xử lý đồng thời hai nhược điểm của luật hiện hành; hình thành hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp được tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư; lấp đầy những kẽ hở luật pháp nhằm bảo vệ hành vi kinh doanh chân chính và ngăn chặn các hoạt động bất chính”.

GS Mại chỉ rõ, trong dự thảo hai luật trên, vấn đề lĩnh vực đầu tư và kinh doanh có điều kiện và lĩnh vực bị cấm đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vùng “cấm” được coi là quá rộng và thiếu minh bạch. Số ngành nghề đầu tư và kinh doan có điều kiện cũng quá nhiều (khoảng 330 ngành nghề), cần rà soát rút bớt để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (quy định trong dự thảo Luật Đầu tư), ông Mại cho biết, việc sửa đổi (theo hướng giấy chứng nhận chỉ cấp cho dự án, ngành thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, còn lại thì không cấp, trừ khi nhà đầu tư có đề nghị) “không tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp”. Bởi hiện nay Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm nhiều thủ tục có liên quan đến dự án. Hơn nữa, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn khá hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án thì bỏ giấy chứng nhận chẳng những không đem lại hiệu quả gì, mà còn có thể làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước…

Vẫn theo ông Nguyễn Mại, việc áp dụng quy định về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài giống như với nhà đầu tư trong nước cần phải cân nhắc thêm, vì có thể dẫn đến tình trạng nhà đầu tư nước ngoài (chưa có địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của tổ chức, trừ khi họ đã lập doanh nghiệp) không được phép lập dự án đầu tư khi chưa thành lập doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, hiện tại cả nước có 16.323 dự án FDI còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký 237 tỷ USD (tính đến tháng 4-2014). FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công ngệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục