Tuy nhiên, điều nhiều người lo lắng không phải là việc cô giáo có lặp lại lỗi lầm của mình hay không mà chính là sự bất lực của cô (theo nhận xét của lãnh đạo Phòng GD-ĐT là một giáo viên giỏi cấp quận, nhiều năm nay giữ chức vụ tổ trưởng chuyên môn trong trường). Bởi khi được phân công chủ nhiệm một tập thể lớp được xem là cá biệt, cô đã áp dụng nhiều hình thức thưởng, phạt khác nhau nhưng nề nếp, trật tự lớp vẫn không cải thiện, đành phải dùng đến “hạ sách” nói trên, khiến nhiều phụ huynh phản ứng.
Nay quyết định cho cô giáo quay trở lại bục giảng sau 15 ngày tạm đình chỉ công tác để xử lý cũng như tiếp tục chủ nhiệm lớp vừa có thể xem là “đặc ân” nhưng đồng thời cũng là thử thách. Rồi đây, khi phải nỗ lực sửa sai, thể hiện lòng yêu nghề, mến trẻ nhưng vẫn phải chèo chống, đưa tập thể lớp mình chủ nhiệm trở lại kỷ cương, nề nếp, rõ ràng là nhiệm vụ không đơn giản.
Cũng cần thấy ở đây vai trò tư vấn, hỗ trợ của những lực lượng khác trong nhà trường như ban giám hiệu, giáo viên tâm lý, giám thị, đoàn thanh niên… khá mờ nhạt. Trách nhiệm dìu dắt, uốn nắn học sinh cá biệt dồn lên hết giáo viên chủ nhiệm.
Trường hợp này cũng tương tự đối với các nhà giáo đang đứng lớp có học sinh học hòa nhập. Nhà giáo cũng phải tự “bơi”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp hòa nhập dành cho người khuyết tật ở giáo dục mầm non và phổ thông có nhiều nhất không quá 3 người khuyết tật ở cùng dạng tật. Khi có một học sinh khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số lớp học được giảm 5 người, dựa trên sĩ số học sinh bình quân của trường đó.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm phối hợp với cơ quan y tế, gia đình người khuyết tật và cộng đồng để xác định khả năng, nhu cầu của người khuyết tật, từ đó giúp người khuyết tật tham gia chương trình can thiệp sớm. Song thực tế nhiều năm qua cho thấy, sự phối hợp giữa cơ quan y tế, cộng đồng với cơ sở giáo dục không được quy định bằng hướng dẫn pháp lý rõ ràng, gắn với từng việc làm cụ thể.
Tại trường học, bản thân hiệu trưởng sau khi chia lớp cũng không thể hỗ trợ giáo viên do không có chuyên môn về giáo dục đặc biệt. Công cụ hỗ trợ duy nhất cho giáo viên là vài ba buổi tập huấn do các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở GD-ĐT tổ chức.
Có lẽ vì thế mà có giáo viên phải tự bỏ tiền túi đi học thêm các khóa đào tạo kỹ năng giáo dục đặc biệt, có người tranh thủ thời gian hè đến học tập kinh nghiệm tại các trường chuyên biệt. Một lời chia sẻ của cô giáo Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) - ngôi trường hiện có số lượng học sinh hòa nhập cao nhất TPHCM, rằng giáo viên dạy hòa nhập cần sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo. Chính sách hỗ trợ giáo viên hiện nay đã có nhưng chưa đủ sức động viên, khuyến khích các thầy cô. Bên cạnh đó, mọi công cụ, phương tiện hỗ trợ gần như không có khiến dạy học trở thành áp lực, tập trung cho học sinh này sẽ không đủ thời gian dành cho những học sinh khác.
Giáo dục đang đứng trước nhiều thay đổi của đời sống xã hội. Đối tượng học sinh ngày càng đa dạng, đòi hỏi giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo, hướng dẫn từ cơ quan quản lý hết sức quan trọng: Không chỉ “giao việc” mà cần đồng hành để người giáo viên không còn đơn độc.