Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên - Ứng dụng vào thực tế cuộc sống

Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên - Ứng dụng vào thực tế cuộc sống

Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2010 do Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức đã tôn vinh những điển hình trong lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ trẻ của TP. Đây là bước khởi đầu giúp những sinh viên đam mê khoa học chứng minh sức trẻ, trí tuệ, bản lĩnh của mình. Điều đáng ghi nhận ở giải Euréka lần này là những đề tài đoạt giải đều xuất phát từ những vấn đề nóng bỏng trong thực tế như nhà ở vùng lũ, giải pháp điều trị ung thư…

Hồ Bảo Khuyên tại lễ trao giải Sinh viên nghiên cứu khoa học quốc gia 2010.

Hồ Bảo Khuyên tại lễ trao giải Sinh viên nghiên cứu khoa học quốc gia 2010.

  • Lê Khắc Anh Kỳ: Nâng tầm khoa học vật liệu mới Việt Nam

Trong suốt 12 năm ra đời, Euréka 2010 là một trong những lần hiếm hoi mà ban tổ chức trao giải đặc biệt. Người nhận vinh dự đó là Lê Khắc Anh Kỳ, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, với nghiên cứu tổng hợp và khảo sát hoạt tính xúc tác của vật liệu hữu cơ - kim loại MOF-5.

Sau 3 năm ròng rã, nhóm nghiên cứu của Kỳ đã tìm ra được MOF-5, loại vật liệu mới lai giữa kim loại và các hợp chất hữu cơ (một loại vật liệu rất hiếm trên thế giới) có khả năng lưu giữ khí tự nhiên, dùng làm bình nhiên liệu xe, khí đốt, bình chữa cháy… với ưu điểm an toàn, bền hơn bình khí nén hydrogen hiện tại.

Ngoài ra, vật liệu này còn có rất nhiều tính năng đang được các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu. Thành công của Anh Kỳ và các cộng sự đã giúp những nghiên cứu trong nước tiếp cận với các thành tựu khoa học của thế giới, nâng cao thứ hạng của khoa học vật liệu Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt đề tài này đã được công bố trên Tạp chí khoa học quốc tế Applied Catalysis A (tạp chí quốc tế được xếp hạng ISI, có chỉ số IF trên 3,59 công bố năm 2010).

  • Ngô Thị Tú Trinh: Biến rễ đinh lăng thành nhân sâm quý giá

Suốt từ giữa năm 2009 tới nay, trên khoảng sân gạch độ 10m2 trong vườn thực hành Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cô sinh viên Ngô Thị Tú Trinh, quê Di Linh, Lâm Đồng ngày ngày tỉ mẩn xới đất, tưới nước, xịt thuốc… cho hơn 60 gốc đinh lăng lá nhỏ, phục vụ nghiên cứu tạo phôi vô tính để nhân giống loài cây thuốc này.

Nói về nghiên cứu của mình, Tú Trinh cho biết, rễ cây đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms), nhất là rễ cọc, có chứa các hợp chất thứ cấp như Saponin và Poliacetylene, giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng... Tuy nhiên, đinh lăng thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành, dễ thực hiện nhưng không có rễ cọc. Do vậy, cần phải nghiên cứu tạo phôi vô tính để có thể nhân giống số lượng lớn, chất lượng đồng đều…

Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu, Tú Trinh đã tìm ra quy trình tạo phôi vô tính, giúp các nhà sản xuất có thể nhân giống, trồng đinh lăng trên đồng ruộng quy mô lớn, là nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất thuốc chống suy nhược, an thần.

Chẳng phải là bà tiên với cây gậy nhiệm màu, bằng đam mê và trách nhiệm với cuộc sống, nghiên cứu của Ngô Thị Tú Trinh đã giúp nhân giống cả cây đinh lăng và các cây thuốc quý khác một cách hiệu quả. Khi nghiên cứu này được áp dụng thực tế, nhiều đồng bào nghèo vốn ước ao được dùng nhân sâm khi đau bệnh, sẽ có thể mua được loại thuốc có tác dụng như nhân sâm với giá rất rẻ, được chiết xuất từ cây đinh lăng mọc ngay trong vườn nhà.

  • Hồ Bảo Khuyên: Tiên phong nghiên cứu bệnh ung thư cổ tử cung

Chưa tới 22 tuổi nhưng cô nữ sinh Hồ Bảo Khuyên, sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM đã bắt đầu phân tích tình trạng methyl hóa ở vùng promoter thuộc một số gen mã hóa cho các nhân tố điều chỉnh epigenic trên bệnh ung thư cổ tử cung.

Theo các chuyên gia y tế, phương pháp này rất mới ở Việt Nam. Bảo Khuyên chia sẻ: “Ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân chính gây tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ trên toàn thế giới và Việt Nam. Tuy vậy, hiện việc chẩn đoán ung thư cổ tử cung chủ yếu tập trung phát hiện virus xâm nhiễm, khi mầm bệnh đã phát sinh, là chữa chứ không phòng bệnh”.

Từ trăn trở ấy, Khuyên đã nghiên cứu, phân tích các vùng gen ung thư, tìm ra các phân tử có thể dùng làm biomarker (có thể hiểu là chất phát hiện sự bất thường sinh học), giúp chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Hướng nghiên cứu và phát hiện của Bảo Khuyên gần như là tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu trên gen người bệnh.

Tham vọng của Khuyên là sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp phát hiện và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả nhằm đem niềm vui đến hàng triệu phụ nữ đang đấu tranh với căn bệnh quái ác này.

  • 5 sinh viên với mong muốn giúp người dân vùng lũ an cư

Ở vùng đất phía cực Nam Tổ quốc, thời điểm những hạt phù sa bồi đắp ruộng đồng, người dân nô nức thu hoạch cá tôm cũng là lúc cuộc sống, sinh hoạt, học tập của người lớn, trẻ nhỏ ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do ngập lụt. Năm 2010, 5 sinh viên Khoa Kiến trúc công trình, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM đã tới Long An và một số tỉnh miền Tây, nghiên cứu xây dựng mô hình nhà nổi, thích hợp cho cả mùa lũ và mua khô.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Nguyễn Lê Trí cho biết, nước ta đã xây dựng những nhà nổi tại Vịnh Hạ Long, Mộc Hóa, Vĩnh Thạnh (Long An)… nhưng loại nhà này lại không thể liên kết, có khi không nổi. Do vậy, nhóm đã nghiên cứu và xây dựng mẫu nhà nổi hoàn chỉnh. Nhà mô hình được xây dựng bằng vật liệu nhẹ (gỗ, gỗ ép, nhựa, tôn…), có gắn các phao nổi EPS phía dưới. Khi mùa lũ về, các nhà có thể di chuyển để bám vào nhau, tự nổi khi lũ lên, hạ xuống khi lũ rút.

Ngoài ra, “xóm nổi” còn được trang bị hệ thống điện, bể chứa nước sạch (có máng hứng nước mưa), nhà vệ sinh, nơi họp chợ khi lũ về…

Nói về hướng đi sắp tới, thành viên nữ duy nhất của nhóm, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Trúc thổ lộ: “Sau khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, cả nhóm sẽ dốc sức xây dựng mô hình tỷ lệ 1:1 (với chi phí chỉ khoảng 30 triệu đồng), để nghiên cứu có thể triển khai thực tế, giúp đồng bào vùng lũ an cư, hoàn toàn chủ động trong mùa lũ”.

Kiên Giang – Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục