Tây Nguyên đã và đang phát triển nhanh chóng (GDP tăng 11,9%/năm), xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD (tăng 5 lần so với năm 2001). Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để Tây Nguyên phát triển bền vững, cần có chiến lược sử dụng các nguồn lực và cần xây dựng kế hoạch phát triển hợp lý.
Chưa thật sự du lịch sinh thái
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tây Nguyên có vị trí Địa - chính trị, Địa - kinh tế, Địa - sinh thái và giao thông quan trọng ở Đông Nam Á. Đó cũng là một loại tài nguyên vô giá mà ta cần sử dụng, bảo vệ hợp lý, bền vững.
Tài nguyên môi trường - đất của Tây Nguyên đã và đang bị thoái hóa. Diện tích tự nhiên toàn vùng là 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất bazan màu mỡ. Tuy nhiên, quá trình canh tác sử dụng không hợp lý nên quá trình thoái hóa tài nguyên môi trường - đất này đang diễn ra mãnh liệt. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên đất mặt Đắk Nông, với độ dốc 160, mỗi năm mất đi khoảng 1cm.
Cần sử dụng hợp lý và bảo vệ cảnh quan, khí hậu, phát triển du lịch sinh thái. Tây Nguyên nằm ở độ cao trung bình khoảng 500 - 800m so với mặt biển, chỗ cao nhất khoảng 1.800 - 2.000m, tạo nên khí hậu Á nhiệt đới, ôn hòa, mát mẻ quanh năm, nhiều vùng còn hoang sơ, nhiều danh lam, thắng cảnh, có thuận lợi cho phát triển du lịch...
Tuy nhiên, hiện trạng du lịch còn manh mún; không nối tour được trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong và ngoại vùng Tây Nguyên. “Du lịch sinh thái” như hiện nay chưa thực sự là du lịch sinh thái. Do đó cần phải quy hoạch lại để có sản phẩm du lịch đặc thù, sinh thái kết hợp văn hóa, tâm linh…
Quy hoạch lại thủy điện, bảo vệ tài nguyên môi trường sông suối. Địa hình Tây Nguyên bị chia cắt mạnh, sụt lún, đứt gãy tạo ra 4 hệ thống sông suối, từ các bậc thềm, tạo nên các thác nước; mà trữ lượng thủy điện ước tính 15 tỷ kW giờ điện/năm, chiếm 22% lượng điện cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay, tám bậc thềm đã khai thác gần hết. Nguy cơ là: trong lúc thế giới người ta đã ngưng làm thủy điện vì tác hại của chúng lên tài nguyên, môi trường, thì ta vẫn xây dựng một cách quá ồ ạt, thiếu chọn lọc “Nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện”. Một con sông đã hình thành phải trải qua hàng ngàn, hàng triệu năm, uốn lượn giữa những vùng núi non, làng mạc bỗng dưng bị chặn dòng. Cái gì mà con người cư xử quá trái tự nhiên sẽ nguy hiểm khôn lường.
Trong trường hợp này là con sông sẽ có nguy cơ đổi dòng. Nếu vậy thì thảm họa lũ quét sẽ là rất lớn trên toàn bộ hạ lưu. Ở độ cao 800m, với một lượng nước hàng triệu m3, thế năng quá lớn sẽ chuyển thành động năng dòng chảy, sẵn sàng phá hủy các đô thị, làng mạc hạ lưu.
Vậy, cần phải xem lại một cách nghiêm túc quy hoạch, thiết kế, thi công mạng lưới thủy điện Tây Nguyên. Câu chuyện về dự án thủy điện 6, 6A đã được giải quyết đó là nhờ sự đấu tranh bền bỉ của công luận và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cùng các nhà khoa học. Điều này cần phải được nhân lên.
Hệ lụy từ nạn phá rừng
Về sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản: Vùng Tây Nguyên có các khoáng sản như wonfram, antimony, sắt, chì, đồng, vàng, kẽm, đá quý saphia, xicron, corindon, thạch anh… Tất cả cần được bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả.
Báo động nạn phá rừng “nghèo”, rừng “kiệt” để trồng cao su. Hiện nay, Tây Nguyên vẫn là vùng có độ che phủ 54%, lớn nhất cả nước (trung bình 39%). Gần đây có chủ trương phá rừng nghèo kiệt để trồng cao su. Chủ trương này không sai nhưng cũng không đúng vì hệ lụy của nó: Người ta, kể cả lãnh đạo một số địa phương đã lợi dụng chính sách, phá luôn cả rừng không nghèo, không kiệt.
Vì vậy, nếu đi kiểm tra theo lộ giao thông thấy rừng vẫn tốt, nhưng trong lòng rừng đã mất đi những khoảng lớn. Điều này sẽ dẫn đến thoái hóa đất, suy giảm hệ sinh thái và lũ quét. Nếu có trồng cao su thành công thì hệ sinh thái rừng cao su cũng hết sức đơn điệu, làm sao bằng hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Bảo vệ môi trường văn hóa - xã hội. Tây Nguyên gồm 47 dân tộc: Kinh, Stiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Nùng, Thái, Cơtu, Ê đê, M’Nông… với một nền văn minh đa dạng, đa sắc tộc, phong phú, đặc thù. Để phát triển bền vững ta phải tạo sự hài hòa, đồng tiến bộ. Phát huy tài nguyên nhân văn này phát triển du lịch, phát triển tài năng là một điều không dễ và nên làm sớm.
Về thích ứng biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tất yếu diễn ra, đòi hỏi Tây Nguyên phải sống chung với biến đổi khí hậu; chấp nhận và né tránh những dị thường, rủi ro khí hậu, thời tiết. Về chống hạn mùa khô: Sẽ xuất hiện những hiện tượng bất thường, gây khô hạn nhiều hơn cho vùng đất bazan.
Giải pháp là củng cố các hồ chứa, hồ thủy lợi, điều tiết trên toàn vùng. Hồ thủy điện phải được xem trọng hơn công tác điều tiết cấp nước mùa khô cho người và cây trồng (cà phê), vật nuôi, không xả lũ khi dân chúng đang bị ngập. Bên cạnh đó, cần có biện pháp phòng tránh hiện tượng La Nina, thường xuất hiện ngay sau một đợt El Nino. Nghĩa là, đồng thời cũng phải chống ngập úng mùa mưa, ở những vùng trũng, thung lũng.
Cần lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét toàn vùng. Lũ quét đã hiện hữu và ngày một nhiều hơn, nguy hiểm hơn trên các tiểu lưu vực đầu nguồn có độ chia cắt mạnh, mất thảm thực vật, độ dốc trên 100, với những trận mưa trên 100mm, khả năng xuất hiện lũ quét là rất lớn. Những nghiên cứu của chúng tôi trên toàn tỉnh Đắk Lắk chứng tỏ điều đó. Mùa mưa năm nay cũng đã kiểm chứng thực tế này.
Sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước dưới đất. Mùa khô, mùa cạn kiệt nước dưới đất. Bởi vì nước dưới đất ở đây chủ yếu là nước thổ nhưỡng, nó phụ thuộc vào lượng nước mặt, độ thấm tầng đất, biến động rất lớn về trữ lượng và chất lượng nước theo mùa, theo thời gian.
Các túi và mạch nước ngầm rất hiếm nên nếu cứ duy trì tình trạng “nhà nhà khoan giếng, người người dùng giếng khoan” để tưới cây kiểu chảy tràn, cộng thêm một lượng nước khổng lồ cấp cho chế biến bô-xít thành nhôm, thì cạn kiệt nước ngầm Tây Nguyên sẽ là một thảm họa, mỗi năm một rõ ràng và nguy cấp hơn.
Những điểm vừa nêu trên nhằm báo động với mọi người rằng, nguy cơ suy thoái tài nguyên môi trường là có thật và sẽ là một thảm họa. Do đó, chúng ta cần cố gắng tìm giải pháp sử dụng, bảo vệ bền vững cho vùng Tây Nguyên.
GS-TSKH LÊ HUY BÁ