Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra nhóm giải pháp “tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên” là rất phù hợp với cả lý luận lẫn thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, và đó cũng là sự vận dụng đúng đắn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”.
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Đảng cũng là một sự vật hiện tượng, tồn tại, vận động; quá trình phát triển nhất định có xuất hiện cả những tích cực và những tiêu cực, xuất hiện những mâu thuẫn, xuất hiện những bệnh tật. Việc giải quyết chỉ có thể là tự phê bình và phê bình. Thực tiễn công tác xây dựng Đảng cho thấy, muốn tự phê bình đạt hiệu quả cao cần chú ý đến 3 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, kết quả của tự phê bình sẽ tỷ lệ thuận với trình độ giác ngộ của cán bộ, đảng viên. Lần này Trung ương tập trung vào cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ “cấp trên gương mẫu”. Đây là những người có khả năng, có trình độ giác ngộ cao. Tuy nhiên cũng mới là khả năng còn thực tế thì phải xem xét, đánh giá cụ thể. Nếu là những người thực sự giác ngộ, giác ngộ cao “vì dân, vì nước”, thì hy vọng sự tự phê bình sẽ có kết quả thiết thực, kết quả tốt và ngược lại.
Bác Hồ nói, trong Đảng “phần đông cố nhiên đã hiểu vì dân, vì nước mà vào Đảng”, những đảng viên này có nhiều khả năng tự phê bình trung thực. Còn số đảng viên “vì lẽ khác mà theo vào Đảng”, như “tìm công ăn việc làm”, “mong chức này tước nọ” hoặc “anh em bạn hữu kéo vào” (Hồ Chí Minh - Toàn tập năm 1995) mà chưa “huấn luyện và tranh đấu lâu dài” để có trình độ giác ngộ lý tưởng của Đảng thì không hy vọng có sự tự phê bình trung thực. Cho nên khi thực hiện tự phê bình cần kết hợp đánh giá, xem xét trình độ giác ngộ của từng người, kết hợp các biện pháp khác mà không quá tin vào sự tự phê bình.
Thứ hai, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, đánh giá kết quả tự phê bình là phải xem xét “loại lỗi lầm”. Nếu là vấn đề phương pháp, tác phong công tác... thì đảng viên sẵn sàng tự phê bình một cách trung thực, nhưng nếu là lỗi lầm thuộc quan điểm chính trị, “nhận quà trên mức bình thường”, đưa quà trên mức bình thường, móc ngoặc để có nhà đất, cổ phiếu... thì sẽ rất khó khăn. Nên phải gắn kết đồng bộ, chặt chẽ giữa tự phê bình với các biện pháp tổng hợp khác.
Thứ ba, tự phê bình là một quá trình. Quá trình đó có kết quả đến mức nào còn phụ thuộc vào sự đấu tranh, sự quyết liệt trong nội bộ tổ chức Đảng. Quá trình tự phê bình không chỉ phụ thuộc quá trình nâng cao giác ngộ của đảng viên mà còn phụ thuộc vào quá trình và mức độ phê bình của đồng chí của tổ chức, phụ thuộc quá trình thẩm tra xác minh của các cơ quan chức năng.
NGUYỄN SỸ NỒNG (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM)