Đưa rước học sinh (HS) bằng xe buýt nhỏ thì cổng trường đỡ ùn tắc và lượng xe gắn máy lưu thông trên các tuyến đường cũng giảm thiểu. Tuy nhiên, mặc dù đã vận động, kêu gọi nhưng số lượng HS ở TPHCM đăng ký đi xe đưa rước vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, vì sao?
An toàn và tiện ích
Đúng 11 giờ 15 phút, 14 chiếc xe đưa rước HS của HTX Vận tải số 14 nối đuôi nhau vào sân Trường THCS Nguyễn Gia Thiều quận Tân Bình chờ đón HS tan học vào lúc 11 giờ 30 phút. Những HS đi xe đưa rước được ưu tiên ra về trước và nhanh chóng lên xe chờ sẵn.
Theo thầy Nguyễn Hoàng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Gia Thiều, nhà trường hợp đồng với 14 xe đưa rước HS loại 12 chỗ ngồi với trên 300 HS tham gia. Đi xe đưa rước có nhiều lợi ích, đảm bảo đúng giờ, an toàn hơn đi xe cá nhân. Gặp thời tiết thay đổi mưa gió, ngập nước, HS đỡ khổ hơn.
Để vận động được hơn 300 HS trong tổng số 2.000 HS đi xe đưa rước, ngay từ đầu năm nhà trường đã thông tin đầy đủ về dịch vụ xe đưa rước HS đến từng phụ huynh và tạo thuận lợi cho đội xe vào sân trường đưa đón HS. Nhờ được trợ giá, HS đi xe đưa rước theo lộ trình gần hay xa trường đều trả cùng một mức phí 230.000 đồng/tháng. Nhiều phụ huynh thấy rẻ hơn chi phí xăng xe khi tự đưa đón con, đỡ mất thời gian.
Tương tự, Trường THCS Ngô Sĩ Liên quận Tân Bình, Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong… cũng tổ chức khá tốt việc đưa rước HS. Ở các trường này, HS đi xe đưa rước mới chiếm 10% - 15% nhưng cho thấy phụ huynh lẫn HS đã thấy nhiều cái lợi từ dịch vụ này. Những trường tổ chức tốt việc đưa rước HS thường có thuận lợi là sân trường rộng, xe có thể vào sân trường, đảm bảo tiêu chí đi đến nơi về đến chốn.
Nhiều HS được hỏi đều cảm thấy thích đi học bằng xe đưa đón hơn là tự đi bằng xe đạp hoặc cha mẹ đưa đón bằng xe gắn máy. Ở các trường dân lập, tư thục, dịch vụ đưa đón HS được tổ chức khá tốt, tuy nhiên giá cả thường rất cao, trên dưới 2 triệu đồng/em/tháng.
Khảo sát cho thấy, rất nhiều phụ huynh ủng hộ việc cho con đi học bằng xe đưa rước nếu tổ chức theo cụm tuyến với lộ trình phù hợp, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, số đông vẫn chưa chọn dịch vụ này vì tâm lý thích tự đưa rước con, còn số khác thì cho rằng lộ trình đưa đón chưa thuận tiện, HS ở tuyến xa thường phải dậy quá sớm, về quá muộn…
Sau 8 năm triển khai hoạt động xe buýt đưa rước HS theo hình thức hợp đồng có trợ giá của nhà nước trên địa bàn TPHCM, đã có 185 trường học tham gia với tổng số 174.366 lượt HS đăng ký. Tuy nhiên so với mục tiêu cũng như tổng số 1,2 triệu HS các cấp của TPHCM thì con số này còn nhỏ.
Cần chính sách hợp lý
Hầu hết các cổng trường ở khu vực trung tâm TP đều chật hẹp, không đủ chỗ đậu xe, phụ huynh phải tràn xuống đường chờ đón con em. Chính vì thế, nếu trường nào tổ chức được xe đưa rước HS thì sẽ giảm bớt nạn ùn tắc giao thông trước cổng trường. Làm một khảo sát nhỏ, chúng tôi nhận thấy nhu cầu cho con đi xe đưa rước khá lớn nhưng ngành chức năng và TP chưa nghiên cứu, mổ xẻ vấn đề một cách thấu đáo. Cần làm rõ vì sao phụ huynh chưa mặn mà với chủ trương cho HS đi xe đưa rước để đề ra phương án khắc phục, đáp ứng nhu cầu của đông đảo HS các cấp. Không kể số phụ huynh thích tự đưa đón con, nhiều phụ huynh có con học cấp 2 - 3 Trường Lê Quý Đôn cho biết rất muốn cho con đi xe đưa rước nhưng nhà trường chưa tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng nếu tổ chức xe đưa rước theo cụm trường, cụm tuyến để giảm bớt lộ trình, giảm thiểu thời gian đi lòng vòng thì sẽ có nhiều người hưởng ứng.
Một vấn đề khiến các đơn vị vận tải bức xúc và kiến nghị TP xem xét là mức trợ giá xe đưa rước HS. Ông Trương Minh Thế, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải 14, nêu: “Mức trợ giá xe buýt đưa rước HS (2.830 đồng/lượt/em) được ban hành từ năm 2003 đến nay chưa thay đổi, trong khi giá xăng dầu, chi phí đầu vào không ngừng tăng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Để thu hút HS chọn dịch vụ này TP phải xem xét nhu cầu thực tế để có trợ giá phù hợp, hiệu quả. Thay vì trợ giá cho nhiều tuyến xe buýt không hiệu quả, lãng phí Sở GTVT và TP tập trung trợ giá cho HS – đối tượng thực tế, ổn định đang có nhu cầu gia tăng trong thời gian tới”.
Chưa tán thành với ý kiến đề xuất của nhiều HTX vận tải đang tham gia đưa rước HS, đại diện Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT cho rằng, tăng trợ giá xe buýt đưa đón HS là chuyện khó. Để chia sẻ khó khăn chung, phụ huynh phải đóng góp thêm chi phí đối với những lộ trình xa, ít HS đi. Để giải bài toán còn nhiều “ẩn số” như nêu trên, đòi hỏi sự chỉ đạo rốt ráo của TP, sự phối hợp đồng bộ của ngành giáo dục - đào tạo, nhà trường và có chính sách trợ giá đúng, đủ cho hoạt động này.
Thực hiện Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND của UBND TPHCM về thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015, Sở GTVT TPHCM mới có công văn gởi Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị phối hợp, vận động HS tham gia đi học bằng xe đưa rước. Theo Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP, chủ trương này đã được triển khai rộng rãi đến từng trường học. Chỉ cần các trường tổng hợp danh sách, số lượng HS đăng ký theo lộ trình đưa rước gởi về Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, nơi đây sẽ phân công đơn vị vận tải tổ chức thực hiện. Nhu cầu lớn bao nhiêu trung tâm cũng đáp ứng, kể cả nhu cầu xe chất lượng cao, có máy lạnh. |
KHÁNH HÀ