Trước nhiều ý kiến phản ứng trái chiều chung quanh đề xuất không bán rượu bia sau 22 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau, chiều 23-7, Bộ Y tế đã có buổi họp báo để làm rõ hơn những vấn đề, quy định trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, đang được Bộ Y tế chủ trì xây dựng. Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết:
>> Cơ sở để Bộ Y tế xây dựng dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, cũng như đề xuất không bán rượu bia sau 22 giờ cho tới 6 giờ sáng hôm sau được dựa trên các quy định của pháp luật và thực tiễn cuộc sống. Về cơ sở pháp lý, Quốc hội đã giao Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì xây dựng dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia để trình Quốc hội vào năm 2015. Hơn nữa, trong Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt ngày 12-2-2014 cũng đã chỉ rõ: “Nghiên cứu ban hành các biện pháp quản lý phù hợp để từng bước hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại một số thời điểm thích hợp trong ngày”.
Bên cạnh đó, đề xuất không bán rượu bia sau 22 giờ cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia ở nước ta. Đề xuất trên dựa vào tình hình thực tế, đó là: Tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng rượu, bia ngày càng tăng nhanh và ở mức báo động. Lạm dụng rượu bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và gây ra các vấn đề xã hội khi 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia và thời gian xảy ra tai nạn thường từ 18 - 24 giờ. Bên cạnh đó, việc uống rượu bia vào lúc khuya dễ dẫn tới nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội, bạo lực gia đình và cả bạo lực tình dục.
- Phóng viên: Dự thảo lần thứ 1 Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đã hoàn thành và dư luận đang rất băn khoăn trước đề xuất về quy định không bán rượu bia sau 22 giờ cho tới 6 giờ hôm sau?
Thực tế đây mới chỉ là dự thảo và đề xuất của ban soạn thảo và tổ biên tập dự án luật đưa ra để lấy ý kiến, chứ hoàn toàn chưa phải là quy định. Hơn nữa, đề xuất về quy định trên cũng sẽ chỉ được đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia để trình Chính phủ và các cơ quan có chức năng khi đề xuất trên nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao nhất của xã hội, người dân và cơ quan chức năng. Trong dự thảo luật, chúng tôi đưa ra 3 phương án nhằm kiểm soát và hạn chế rượu bia ở nước ta.
Trong đó, phương án thứ nhất đề xuất “không được bán rượu bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia”. Phương án đề xuất thứ hai là “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia”. Và phương án thứ ba là “chưa quy định thời gian cấm bán rượu bia trong dự thảo luật”.
- Bà đánh giá như thế nào về tính khả thi và hiệu quả đối với đời sống xã hội của 3 phương án trên khi thực tế có nhiều quy định pháp luật sau khi ban hành chỉ có hiệu lực trên giấy?
Rõ ràng với thực tế tình hình lạm dụng rượu bia tràn lan và gia tăng như hiện nay ở nước ta, phương án 1 là tối ưu nhất trong việc phòng chống tác hại rượu bia, cũng như hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia. Nhưng phương án này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao từ các bộ, ngành chức năng, chính quyền các cấp và ủng hộ của người dân. Bởi lẽ khi xây dựng bất cứ quy định pháp luật nào đều phải tính tới tính khả thi thực hiện khi luật đi vào đời sống. Tuy nhiên, đối với những thói quen, công việc, hành động như việc uống hay bán rượu bia đã ăn sâu vào ý thức và lối sống của nhiều người, thậm chí còn được xem như là nếp văn hóa thì việc điều chỉnh, thay đổi được hành vi không phải là chuyện dễ dàng. Đây cũng chính là nhóm quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh khó nhất trong tất cả các nhóm quan hệ xã hội.
Chính vì vậy mà khi đưa ra đề xuất trên, chúng tôi cũng đã tính đến những khó khăn sẽ phải đối mặt. Đây cũng chính là vấn đề thách thức lớn nhất đối với việc ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội, nó phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và thái độ của người dân nên đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối để tổ chức thực hiện hiệu quả.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ sẽ ảnh hưởng tới du lịch và xảy ra tình trạng khi cấm ở chỗ này thì người bán lại chạy tới chỗ khác bán?
Theo kinh nghiệm triển khai các biện pháp kiểm soát rượu bia ở nhiều quốc gia, việc quy định những khung giờ nhất định cấm bán rượu bia hoàn toàn không ảnh hưởng tới du lịch, chẳng hạn như ở Thái Lan và Singapore lâu nay đã có quy định về giờ không được bán rượu bia song lượng du khách tới hai quốc gia này vẫn không hề giảm mà tăng trưởng đều đặn. Về địa điểm cấm bán rượu bia, mỗi quốc gia có quy định riêng như: cấm bán ở khu chung cư, nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà hát... nhưng cần phải lưu ý đây không phải là những điểm bán rượu bia lưu động, nên không thể có chuyện cấm nơi này chạy sang nơi khác bán.
- Bà có thể cho biết thêm về kinh nghiệm của các nước trong việc kiểm soát rượu bia?
Đến nay trên thế giới đã có 168 quốc gia, trong đó có 9 nước ASEAN có quy định thời gian cấm bán rượu bia và đa số thời gian cấm là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 giờ hoặc 8 giờ ngày hôm sau. Như tại Thái Lan và Singapore quy định 2 khung giờ cấm bán rượu bia là 14 giờ - 17 giờ và 24 giờ - 11 giờ. Còn một số nước châu Âu như Phần Lan quy định từ 21 giờ - 9 giờ, Nga 22 giờ - 10 giờ, Latvia 22 giờ - 8 giờ. Đáng chú ý, tại các quốc gia sau khi có quy định về giờ cấm bán rượu bia, người dân đều dần chấp hành quy định và tỷ lệ sử dụng rượu bia có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì việc giảm tiếp cận rượu, bia tới công chúng là biện pháp hiệu quả nhất trong các biện pháp phòng chống tác hại do rượu bia gây ra.
- Xin cảm ơn bà!
KHÁNH NGUYỄN