Đề xuất chuyển đổi huyện thành quận: Thúc đẩy đầu tư hạ tầng đô thị

Đề xuất của Sở Nội vụ TPHCM về chuyển đổi 5 huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi sẽ giúp TPHCM phát triển các đô thị vệ tinh, các địa phương cũng có điều kiện khai thác, phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế.
Huyện Hóc Môn đầu tư nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (xã Thới Tam Thôn) cùng nhiều tuyến đường, hẻm khác trên địa bàn. Ảnh: KIỀU PHONG
Huyện Hóc Môn đầu tư nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (xã Thới Tam Thôn) cùng nhiều tuyến đường, hẻm khác trên địa bàn. Ảnh: KIỀU PHONG

Chuyển để được... chính danh

Theo Phòng Nội vụ huyện Hóc Môn, mô hình tổ chức của UBND huyện Hóc Môn tương tự như các quận, với 12 phòng ban chuyên môn. Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên cho biết thêm, tổ chức Đảng, đoàn thể, MTTQ của huyện Hóc Môn không khác biệt so với các quận của TPHCM. Về chức năng, quyền hạn cũng như công tác quản lý nhà nước của huyện cũng… đậm chất quận. Song, vì là huyện nên Hóc Môn chỉ có 2 phó chủ tịch UBND huyện. Trong khi, huyện Hóc Môn có diện tích hơn 109km² (gấp 5 lần diện tích quận Gò Vấp), dân số gần 550.000 người. Huyện đã 2 lần đề nghị TPHCM bổ sung số lượng phó chủ tịch UBND huyện bằng với số lượng của quận nhưng chưa được chấp thuận.

“Diện tích rộng, dân số đông, nhân sự ít gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của địa phương”, đồng chí Trần Văn Khuyên chia sẻ. Tương tự, nếu là huyện thì lực lượng công an xã sẽ chủ yếu là công an viên với hạn chế về tiêu chuẩn, điều kiện, cũng như thẩm quyền sử dụng phương tiện, công cụ và chế độ có sự chênh lệch lớn so với công an chính quy. Chính bất cập đó gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

TS Cao Vũ Minh, Đại học Luật TPHCM, phân tích, theo quy định hiện nay, thẩm quyền của chủ tịch UBND huyện không có khác biệt nhiều so với chủ tịch UBND quận. Bộ máy tổ chức của quận và huyện cũng tương tự nhau. Tuy nhiên, việc tiếp tục để Nhà Bè, Bình Chánh hay Hóc Môn khoác “chiếc áo huyện” là quá chật, gây cản trở sự phát triển, do gặp khó khăn trong thu ngân sách, thu hút đầu tư… Thế nên, việc “lên quận” cho các huyện này chỉ là công nhận thực tế, để các địa phương chính danh được gọi là quận. Việc này cũng tạo điều kiện để các địa phương phát huy tốt nhất các tiềm năng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao đời sống của người dân. “Các huyện chuyển thành quận cũng phù hợp với quy định hiện nay, trong đó có Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM”, TS Cao Vũ Minh dẫn chứng. 

Một số vấn đề đặt ra khi xây dựng một đơn vị hành chính từ nông thôn sang đô thị là nguồn lực để thực hiện. Tại Nhà Bè, huyện đặt trọng tâm vào đầu tư hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông mà theo tính toán ban đầu, để phát triển kinh tế, đô thị ở Nhà Bè, huyện cần ít nhất 27.000 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục hạ tầng đô thị đã vạch ra. Tại huyện Bình Chánh, dân số không ngừng tăng nhanh và hiện đã có hơn 744.000 dân. Với tốc độ đô thị hóa cao, Bình Chánh cũng sớm đặt mục tiêu chuyển huyện thành quận hoặc thị xã.

Khai thác tốt các lợi thế

Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ, huyện Củ Chi có nhiều lợi thế về tài nguyên đất đai. Huyện rộng gần bằng 19 quận của TPHCM. Tỷ lệ đất nông nghiệp của huyện chiếm 76%. Tuy nhiên, vấn đề bức bối nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, hệ thống giao thông của huyện còn thiếu. Trong khi, huyện là nơi kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nhưng những tuyến đường kết nối lại quá nhỏ. Củ Chi mong muốn TPHCM hỗ trợ huyện quy hoạch lại mạng lưới giao thông để đáp ứng yêu cầu phát triển. Với tuyến sông Sài Gòn, huyện Củ Chi đề nghị xây dựng ở Củ Chi một cảng sông làm logistics phục vụ các khu công nghiệp ở địa bàn và các tỉnh lân cận. Đồng thời, kết hợp làm cảng du thuyền phục vụ du lịch.

Theo PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TPHCM, huyện Củ Chi tọa lạc ở phía Bắc TPHCM, cách trung tâm TPHCM khoảng 30km và giáp với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Dọc huyện Củ Chi có sông Sài Gòn chảy qua. Đây là một điều kiện lý tưởng để thiết kế, xây dựng một khu đô thị theo xu thế hiện đại. 

Vẫn theo PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, xây dựng đô thị tại Củ Chi cũng sẽ giúp phát triển TPHCM theo mô hình đa cực như nhiều đô thị lớn trên thế giới. Qua đó, thúc đẩy kéo giãn dân cư ra khỏi khu vực nội thành và vùng lõi thành phố, phát triển đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, cũng tận dụng được lợi thế xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài (dự kiến triển khai từ năm 2022 và năm 2025 sẽ đi vào hoạt động). Mặt khác, giúp thúc đẩy sự kết nối và tạo động lực phát triển các tỉnh lân cận.

Lãnh đạo huyện Hóc Môn cũng khẳng định, huyện đã có sự chủ động chuẩn bị cho quá trình chuyển thành quận. Cụ thể, huyện vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng có sự thay đổi về chất. Đó là việc kêu gọi đầu tư, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, trong quá trình này, huyện đề nghị điều chỉnh bổ sung quy hoạch huyện Hóc Môn theo hướng đô thị chung của TPHCM, không theo đô thị phát triển nông thôn mới để tránh lạc hậu. Đồng thời đầu tư mở rộng các trục giao thông quan trọng, tạo sự thông thoáng cho việc lưu thông từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và khu vực Tây Bắc của TPHCM.

“Nếu được tạo điều kiện, cơ chế thì huyện Hóc Môn sẽ có thêm điều kiện chuyển mình, trỗi dậy phát triển và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TPHCM”, đồng chí Trần Văn Khuyên đánh giá.

Nâng cao đời sống người dân mới thiết thực
Việc chuyển huyện Cần Giờ thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) mới là ý tưởng đề xuất và để hiện thực hóa thì phải có đủ điều kiện phù hợp, thời điểm thích hợp, thời gian cũng rất dài. Quan trọng hiện nay là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Đó là vấn đề thiết thực. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện giai đoạn 2020-2025 có đặt ra mục tiêu phát triển huyện Cần Giờ theo hướng đô thị sinh thái bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TPHCM có rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong xu hướng phát triển huyện Cần Giờ thành đô thị sinh thái thì nhiệm vụ quan trọng của huyện luôn là tiếp tục giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị của rừng và biển.
Ông LÊ MINH DŨNG, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ

Tin cùng chuyên mục