Dự thảo báo cáo của Bộ Y tế đánh giá việc thực hiện Luật Khám, chữa bệnh - KCB (vừa được gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định) cho biết, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề của Việt Nam khác biệt so với quốc tế là Việt Nam cấp phép hoàn toàn dựa trên hồ sơ, các văn bằng chứng chỉ chứ không dựa trên việc đánh giá năng lực thông qua kỳ thi quốc gia để cấp phép như nhiều nước đang thực hiện.
Điều kiện cấp phép hành nghề KCB quá đơn giản
Thi lấy chứng chỉ hành nghề KCB có thể là một trong số những nội dung quan trọng trong Luật KCB sau khi được sửa đổi. Nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát kinh nghiệm của 23 nước trên thế giới thì thấy chỉ có Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Brunei là không thi chứng chỉ hành nghề. Trừ Brunei 100% bác sĩ là từ nước ngoài vào, thì Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện cấp phép hành nghề KCB đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Trong khi Việt Nam chưa kiểm chuẩn, thống nhất được chương trình của các trường đào tạo y khoa lại vừa không đánh giá chất lượng đầu ra nên nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý cho rằng để nâng cao chất lượng KCB thì luật cần bổ sung quy định nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực trước và trong khi tham gia cung ứng dịch vụ y tế cho người dân.
Tùy quy định từng nước, đơn vị tổ chức kỳ thi quốc gia này có thể độc lập với cơ quan quản lý nhà nước (Mỹ, Canada, Anh, Thái Lan…) hoặc là cơ quan quản lý nhà nước (Nhật Bản, Trung Quốc). Mô hình cơ quan độc lập được nhiều nước áp dụng, nhưng mức độ độc lập có khác nhau. Dự thảo báo cáo đề xuất lựa chọn mô hình phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với hội nghề nghiệp: một cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi còn cơ quan khác chịu trách nhiệm cấp phép dựa trên kết quả thi. “Mô hình tổ chức nhiều cơ quan tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng đầu ra và cấp chứng chỉ hành nghề mới đảm bảo được tính khách quan và đảm bảo được chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực KCB”, bản dự thảo nhận định.
Quyền đi liền nghĩa vụ
Một nội dung quan trọng khác cũng được đề nghị điều chỉnh trong Luật KCB hiện hành có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người đi KCB. Theo đó, quyền tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh được đề nghị mở rộng thành quy định “giữ bí mật toàn bộ quá trình trao đổi, điều trị giữa bệnh nhân và người hành nghề KCB”. Một số ý kiến còn đề nghị, đối với một số nhóm người bệnh như cán bộ ngoại giao, quân nhân, cán bộ lãnh đạo cao cấp có thông tin cá nhân và tình trạng bệnh tật nhạy cảm thì cần bổ sung thêm những quy định nghiêm ngặt hơn.
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quyền được khiếu kiện, đền bù, bồi thường thiệt hại khi người bệnh là nạn nhân của sai sót chuyên môn. Luật hiện hành đã có một chương riêng về sai sót chuyên môn, nhưng chỉ quy định vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý và người hành nghề KCB mà chưa đề cập đến quyền được bồi thường của người bệnh, trong khi người bệnh là người chịu tổn thất trực tiếp.
Ở chiều ngược lại, nghĩa vụ của người bệnh cũng được đề nghị làm rõ, theo đó các ý kiến đề nghị bổ sung thêm 2 nghĩa vụ. Đó là nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm khi tự chọn phương pháp điều trị: người bệnh có quyền lựa chọn phương pháp điều trị cho mình dưới sự tư vấn của bác sĩ, song họ cũng phải tự chịu trách nhiệm khi tự chọn phương pháp điều trị. Điều này có nghĩa là khi không tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc, tự chọn thì người bệnh phải chịu trách nhiệm kết quả điều trị đó. Thứ hai, người bệnh còn có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, môi trường làm việc cho nhân viên y tế cũng như những người sử dụng dịch vụ y tế khác tại bệnh viện.
Trước thực trạng người nhà bệnh nhân và một số đối tượng khác gây mất trật tự và bạo hành tại các cơ sở KCB, rất nhiều ý kiến đề nghị bổ sung những quy định, nghĩa vụ đối với tất cả các đối tượng đến cơ sở KCB chứ không chỉ là người bệnh. Đồng thời, vì môi trường cơ sở KCB là môi trường đặc biệt nên cũng nhiều ý kiến đề xuất tình tiết tăng nặng khi có vi phạm.