Đem cổ phiếu thưởng bán ở nước ngoài, có phải đóng thuế?

Tuần này có nhiều câu hỏi xung quanh việc miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM trả lời các thắc mắc của bạn đọc.

  • “Khung” nào được miễn thuế TNCN?

- Năm 2009, Hội đồng quản trị công ty đã ra quyết định giao mức quỹ tiền lương căn cứ kết quả kinh doanh của năm. Công ty đã chi 12 tháng lương cho cán bộ công chức và vẫn còn thừa khoảng 4 tháng lương. Xin cho biết, nếu công ty chi bổ sung lương năm 2009 cho cán bộ công chức hết phần quỹ lương còn thừa (4 tháng quỹ tiền lương còn lại) thì có được giảm 50% thuế TNCN không, cách tính như thế nào?

Nguyễn Hoài Giang (quận 5, TPHCM)

Thông tư số 160/2009/TT-BTC ngày 12-8-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn thuế TNCN năm 2009 và công văn số 451/TCT-TNCN ngày 8-2-2010 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về quyết toán thuế TNCN năm 2009 có quy định như sau: trường hợp đơn vị chi trả thu nhập (tức công ty) áp dụng trả lương theo kết quả công việc mà hàng tháng chỉ tạm ứng thanh toán tiền lương, kết thúc công việc hoặc cuối năm mới quyết toán thì thu nhập được miễn thuế của 6 tháng đầu năm được xác định theo số thực quyết toán.

Nếu vì lý do khách quan mà người lao động nhận tiền lương của 6 tháng đầu năm trong khoảng thời gian của 6 tháng cuối năm thì khoản thu nhập đó vẫn được miễn thuế TNCN. Như vậy, nếu công ty căn cứ kết quả kinh doanh năm 2009 đã chi đủ 12 tháng lương và còn thừa 4 tháng lương mà năm 2010 công ty mới chi bổ sung thì không được miễn hoặc giảm 50% thuế TNCN.

- Công ty chúng tôi xin hỏi, điểm b, Điều 1 Thông tư 62 của Bộ Tài chính quy định “Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ cho người lao động là người nước ngoài về phép mỗi năm một lần, không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN” thì đoạn đường quốc nội (có thể bằng xe, tàu hay máy bay) về đến nơi sinh sống của họ có được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN không?

Hồ Hoàng Minh (quận 7, TPHCM)

Căn cứ xác định tiền vé về phép của lao động người nước ngoài chính là “hợp đồng lao động và giá ghi trên vé máy bay từ VN đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại”. Như vậy, khoản thu nhập được trừ khi tính thuế TNCN của người nước ngoài chỉ là giá ghi trên vé máy bay, không bao gồm các khoản phát sinh cho các đoạn đường quốc nội về đến nơi họ sinh sống.

  • Cổ phiếu thưởng: bán ở nước ngoài, đóng thuế ở VN?

- Nhân viên là người nước ngoài cư trú tại VN được công ty mẹ thưởng bằng cổ phiếu, sau đó bán tại Singapore. Như vậy, người này có phải kê khai thuế thu nhập tại VN hay không? Nếu có thì phải kê khai thế nào?

Nguyễn Bảo Giang (quận 1, TPHCM)

Tại điểm 2.9.1 Mục II Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30- 9- 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN như sau: “Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh tại nước ngoài phải khai và nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân…”.

Điểm 1 Công văn số 14169/BTC-TCT ngày 7- 10- 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chính sách thuế TNCN cũng quy định “Đối với trường hợp thưởng bằng cổ phiếu của công ty thì khi nhận cổ phiếu thưởng chưa phải nộp thuế TNCN.

Sau khi nhận xong cổ phiếu thưởng, nếu người đó chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại với cổ phiếu nhận thưởng thì phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có được từ việc nhận cổ phiếu thưởng (theo mức thưởng ghi trên sổ sách kế toán của đơn vị trả thưởng).

Ngoài ra, khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng, người đó còn phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán (theo mức 0,1% trên giá trị chuyển nhượng hoặc theo mức thuế suất 20% trên chênh lệch giữa giá thực tế chuyển nhượng với mệnh giá hoặc giá trị thưởng ghi trên sổ sách kế toán của đơn vị trả thưởng)”.

Như vậy, người nước ngoài cư trú tại VN được công ty mẹ thưởng bằng cách cho mua cổ phiếu theo giá ưu đãi và bán cổ phiếu này tại Singapore theo giá thị trường hưởng chênh lệch thì khoản thu nhập này phải kê khai nộp thuế theo Luật Thuế TNCN tại Việt Nam.

Với mục tiêu chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức thuế, cũng như chống vi phạm pháp luật về thuế, nhất là việc bán hàng không xuất hóa đơn ở các cửa hàng, siêu thị,… Báo SGGP rất mong bạn đọc hợp tác, cung cấp thông tin, cộng tác bài vở cho mục này. Thư từ gởi về: Mục Chính sách Thuế, địa chỉ 203 Phùng Hưng, quận 5. Email: hanni@sggp.org.vn. ĐT: 0903 975323.

Chế Hân - Lệ Nga


Lại tái diễn việc bán hàng không xuất hóa đơn

(SGGP).– Sau thời gian Báo SGGP phản ánh tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, các cửa hàng điện máy đã có chấn chỉnh. Tuy nhiên, gần đây, người dân phản ánh việc không xuất hóa đơn tiếp tục tái diễn tại các cửa hàng.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào tuần qua, Công ty CP DVTM Phong Vũ lại “quên” xuất hóa đơn VAT cho khách. Cửa hàng Phong Vũ không tự động xuất hóa đơn ngay khi nhận tiền mà vẫn xuất phiếu tạm tính và cứ nhìn mặt khách để xuất nên có khách được xuất, có khách không. Điều này khác xa so với thời điểm ngày 14, 15- 1 khi Chi cục Thuế quận 1 cử cán bộ xuống chốt chặn tại cửa hàng thì nhân viên cửa hàng buộc khách phải đến quầy nhận hóa đơn.

Công ty CP Máy tính Hoàn Long (244 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) cũng không xuất hóa đơn VAT cho khách mua hàng, nơi đây vẫn vô tư xài “phiếu báo giá” (màu trắng) giao cho khách thay hóa đơn, dù mặt hàng có giá gần 11 triệu đồng.

Chúng tôi quay lại “điểm nóng” các cửa hàng điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình cũng không khá hơn. Dù bị báo chí phản ánh nhiều lần, Cục Thuế TP cũng đã chỉ đạo xử lý triệt để nhưng đến nay, Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, Công ty Vương Quỳnh Trinh (trên đường Hoàng Văn Thụ), doanh nghiệp Trần Thế… vẫn xuất phiếu nhận tạm ứng, phiếu giao hàng. Phải chăng Chi cục Thuế địa phương “bó tay” với các cửa hàng này hay chỉ đạo của Cục Thuế chưa được cấp dưới quan tâm nên cứ để vi phạm tiếp tục diễn ra.

Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục