
Khu công nghiệp dân cư Bình Hòa (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) nay đã chuyển đổi hẳn thành khu dân cư nhưng những mảnh đời người tạm cư ở đây không biết khi nào mới “đổi đời”. Người dân vẫn cứ sống chung với sự nhếch nhác, lầy lội mỗi khi mưa xuống, thủy triều lên...
Tạm cư: Nhà thoáng chốc biến thành ao!

Trong cơn mưa tầm tã một chiều giữa tháng 5-2006, phần lớn các căn nhà tạm cư ở khu dân cư Bình Hòa đều lênh láng nước bẩn đục ngầu. Bì bõm lội trong nhà, hối hả dịch chuyển những thứ đồ linh tinh như giày dép, giỏ xách... cô Nguyễn Thị Tâm Lộc (căn C18) ngao ngán: “Khổ quá, cứ mưa xuống là nước, rác lại tràn vào nhà, mặt sân. Mặt đường cao hơn nền nhà gần nửa mét nên đành chịu, không cách gì ngăn được”.
Hai mẹ con cô tạm cư từ cuối năm 1997, và từ đó đến nay cả nhà cô đều phải “chịu trận”, “sống chung với lũ” mỗi khi trời mưa. Nào thì nước mưa theo mái tôn dột, tường nhà nứt nẻ trút xuống, nào thì nước từ các kẽ hở gạch lát nền xì lên, cuốn theo đủ thứ tả pí lù ào ạt tuồn vào nhà. Cùng chung cảnh ngộ là gia đình chị Nguyễn Thị Minh (căn A13). Bê các thùng mì ăn liền, bánh ngọt đặt lên ghế, chị lắc đầu: “Mưa được 5 phút nền nhà “chìm” tới cả 4 tấc. Riết rồi thành thói quen, hễ thấy trời chuyển mây là nháo nhào khiêng đồ đạc chất lên giường, lên ghế; sau đó đành ngồi trên giường chờ đợi, nhiều lúc đến sáng hôm sau mới ráo nước...”.
Dạo quanh các khu tạm cư ở đây trong cơn mưa chúng tôi thấy tình cảnh hầu như bi đát như nhau: nền nhà “ăm ắp” nước mưa bẩn thỉu. Khoảng sân giữa khu A và C biến thành một cái ao nước và rác. Trong 10 khu nhà tạm cư thì Công ty XDTM Bình Thạnh chiếm đa số với 6 khu, tổng cộng 76 hộ.
Các khu tạm cư xây từ năm 1997, đến nay đã xuống cấp trầm trọng, nhiều nền nhà đã thấp gần cả mét so với mặt đường, mái dột vách nứt… Không những phờ phạc khi trời mưa mà dân tạm cư còn “lâm nạn” thủy triều. Quá nửa số ngày trong tháng sống cảnh ngập nước thủy triều, nhiều đêm phải thức tát nước. Thế nhưng những gì người dân ở đây mong chờ vẫn chưa thấy đâu, nhất là các nền đất tái định cư như lời hứa ban đầu, nơi thì chưa xác định vị trí, chỗ thì… hoang vu, cỏ lác um tùm!
Giữa tháng 5-2006, trong buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TPHCM, Ban Quản lý Khu Dân cư-Công nghiệp Bình Hòa cho biết, đến nay mới có 8/25 hộ nhận nhà chung cư, mới giao được 481 nền đất tái định cư cho 268 hộ, riêng 85 nền của 50 hộ vẫn chưa xác định được vị trí!
Ông Lý Việt Hoàng, Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh khẳng định: “Chính sách đền bù, bồi thường đều đúng đắn, chỉ có các chính sách xã hội là chưa được người dân chấp nhận. Do vậy, người dân còn khiếu nại, chưa chịu di dời bàn giao mặt bằng...”.
Tại buổi giám sát trên, ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban Bồi thường-GPMB quận Bình Thạnh cũng có ý kiến tương tự. Ông cho rằng những chính sách đền bù giải tỏa được thực hiện từ trước tới nay trên địa bàn quận đều không có gì sai. Về sự ì ạch trong tiến độ triển khai các dự án cũng như bố trí tái định cư ở khu Bình Hòa, ông Thơ lý giải là do chưa giải tỏa xong những vị trí có nền tái định cư, một số hộ không chịu hình thức tái định cư bằng căn hộ chung cư... Vì vậy, không thể biết được ngày “xóa sổ” các khu tạm cư, bàn giao nền nhà tái định cư hoàn chỉnh.
Tái định cư: Ép dân ký cam kết?!
Đời tạm cư khốn khó là vậy, nhưng những người dân đã được bố trí tái định cư tại chỗ cũng hết sức tạm bợ, vì không có cơ sở hạ tầng. Gia đình bác Ngô Thị Tư (lô 5E- đường Trục) nhận nền tái định cư và xây nhà năm 2000. Lúc mới nhận nền, hệ thống thoát nước, đường dây điện, nước máy đều không có; đường đi là dải đất sình lầy…

Hiện giờ mới có được hệ thống điện và cống thoát nước, còn đường đi lại vẫn là đất đỏ nhầy nhụa, nước vẫn từ giếng khoan. Điều nghịch lý xảy ra là, để được cấp giấy chủ quyền cho ngôi nhà đang ở, chính quyền bắt người dân làm bản cam kết với điều khoản kỳ lạ. Tháng 2- 2006, bác Tư lên phường 13 làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà đất. Cán bộ phường yêu cầu, muốn có sổ đỏ phải làm bản cam kết đồng ý với hiện trạng cơ sở hạ tầng và không... kiện cáo gì sau này. Việc làm cam kết thực hiện theo chủ trương của quận (?!).
Mẫu giấy cam kết in sẵn có điều khoản: “Nay tôi làm giấy này đồng ý sử dụng đất tại căn nhà xin cấp giấy chứng nhận nêu trên với hệ thống cơ sở hạ tầng như hiện nay bao gồm: đường giao thông, điện, cấp thoát nước và không khiếu nại!”. Bác Phạm Thị Đê, nhà kế bên bức xúc nói: “Đường sá, nước nôi như vầy mà gọi là khu dân cư mới sao? Thật quá thể!”.
Từ đầu năm 2006 đến nay đã có hàng chục hộ tái định cư phải ký cam kết để chờ cấp sổ đỏ. Không chỉ vậy, ký cam kết xong người dân cũng không được biết thời hạn cụ thể nhận sổ đỏ vì chính quyền không đưa ra câu trả lời cụ thể!
Rõ ràng chính quyền quận Bình Thạnh đã không lo cho dân mà còn ép buộc người dân ký cam kết với nội dung hết sức phi lý. Trách nhiệm chính quyền ở đâu khi đẩy người dân tái định cư sống tạm bợ trong khi chủ trương của nhà nước là nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ? Phải chăng, chính sự vô cảm này là nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài tại khu dân cư Bình Hòa?
PHAN HIỀN