Với những tác động và cải thiện rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tập đoàn Samsung đang góp phần tạo nên một hình ảnh Việt Nam mới - điểm đến đầy hấp dẫn và thân thiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ gia công “phần cứng”
Ít ai biết rằng, 10% thị phần “phần mềm” của Samsung toàn cầu đang do các kỹ sư của Việt Nam đảm nhiệm. Theo đó, Samsung Việt Nam hiện có 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển di động (SVMC) đặt tại Hà Nội với hơn 1.500 kỹ sư, cán bộ (trong đó chỉ có 5 người nước ngoài) và dự kiến tăng thành 2.600 người sau 3 năm nữa. Đây cũng có thể coi là một sự chuyển giao công nghệ hiệu quả từ Samsung sang người Việt Nam. SVMC không chỉ phụ trách cả thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand mà còn tham gia vào nhiều dự án toàn cầu của Samsung. Một trong số đó chính là các phần mềm ứng dụng dành cho bút điện tử S Pen của các dòng điện thoại Note và Galaxy. Nếu như coi việc sản xuất chiếc điện thoại tại 2 nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh là tạo “phần xác”, thì hoạt động của SVMC là hoạt động tạo “phần hồn” của chiếc điện thoại.
Đào tạo nhân tài địa phương
Đối với Bùi Công Duẩn, việc trở thành một nhân viên vận hành tại tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên có lẽ là một sự thay đổi lớn với chàng trai sinh năm 1995 này. Không đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục theo học lên cao đẳng hoặc đại học, Duẩn đã xin vào làm việc trong nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT). Duẩn chia sẻ: “Em và nhiều bạn khác đã thực hiện được ước mơ đến giảng đường của mình, đồng thời có cơ hội được làm việc tại một môi trường chuyên nghiệp, được học hỏi tác phong công nghiệp mà trước đây em chưa từng nghĩ đến”.
Hiện tại, gần 400 nhân viên của SEVT đang theo học cao đẳng ngay tại nhà máy, với các chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Hàn, kế toán và điện tử. Còn tại tổ hợp nhà máy Samsung tại Bắc Ninh (SEV), khoảng 800 nhân viên cũng được tham dự các chương trình đào tạo tương tự. Đây có thể xem là đóng góp lớn của một tập đoàn nước ngoài trong quá trình đào tạo nhân lực tại Việt Nam.
“Cuộc chơi mới” ở Việt Nam
Sau điện thoại di động, ti vi và các mặt hàng điện tử gia dụng khác cũng sẽ được Samsung tập trung đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Samsung đã khởi công xây dựng Khu phức hợp Điện tử gia dụng Samsung (SEHC) với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Mới đây nhất, trong những ngày cuối năm 2015, SEHC vừa được UBND TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nâng tổng vốn đầu tư của SEHC lên 2 tỷ USD. Không chỉ đầu tư sản xuất, SEHC sẽ đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao như Smart tivi… Vì vậy có thể coi SEHC là một “cuộc chơi mới” ở thị trường Việt Nam của Samsung. Không đơn thuần là cứ điểm sản xuất các thiết bị di động, Việt Nam sẽ trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm ti vi và điện tử gia dụng chủ lực khác của Samsung trong thời gian tới.
Có mặt tại Việt Nam đã gần 20 năm, đến nay, Samsung đã đầu tư hơn 14,2 tỷ USD vào Việt Nam. Toàn bộ các nhà máy Samsung tại Việt Nam hiện cung cấp 30% tổng sản lượng điện thoại Samsung bán ra toàn cầu. Doanh thu xuất khẩu của Samsung Việt Nam năm 2014 đạt 26,3 tỷ USD và dự kiến năm 2015 sẽ cán mốc 30 tỷ USD. Như vậy, Samsung hiện đóng góp khoảng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
QUÂN BÌNH