Thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP, từ ngày 1-8-2016, hành vi điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng bị phạt nặng như hành vi cố ý vượt đèn đỏ. Quy định như vậy nhằm hạn chế tình trạng nhiều người điều khiển phương tiện giao thông cố ý phóng nhanh qua giao lộ thay vì dừng lại khi thấy đèn vàng, gây ra tai nạn giao thông.
Song, thực tế tín hiệu đèn vàng khác với tín hiệu đèn đỏ. Đèn giao thông có 3 màu và quy trình vận hành tín hiệu 3 màu này từ xanh, vàng và đỏ là một quy trình khoa học, được áp dụng trên toàn thế giới, chứ không riêng ở nước ta. Đèn vàng báo hiệu chuyển tiếp từ đèn xanh qua đèn đỏ, để người chưa qua khỏi vạch dừng thì dừng lại, còn khi đã qua khỏi vạch dừng thì đi luôn. Đây là dự lệnh để người tham gia giao thông biết xe trên tuyến đường đang lưu thông phải chuẩn bị dừng lại, nhường đường cho xe trên tuyến khác. Thời gian đèn vàng bật sáng là để các xe trên tuyến đang lưu thông kịp qua giao lộ trước khi đèn đỏ bật và không xung đột với tuyến khác, bởi thực tế để an toàn thì lái xe không thể dừng phương tiện tức thì, mà phải giảm vận tốc dần trước khi dừng hẳn. Việc dừng phương tiện tức thì dễ xảy ra tai nạn giao thông, xe đang lưu thông phía sau sẽ đâm sầm vào vì tình huống đột ngột. Chính vì thế, việc buộc tất cả các xe đang lưu thông phải lập tức dừng ngay ở vạch khi đèn vàng bật sáng là điều không thể và cũng không nên.
Do vậy, để thực thi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, CSGT nên có phân biệt rõ tình huống, phạt đối với trường hợp cố ý tăng tốc băng qua vạch, lao qua giao lộ khi đèn vàng đã bật lên, chứ không phải là phạt đối với trường hợp đang trên đà qua giao lộ khi đèn vàng bật lên. Để thực thi đúng đắn như vậy, không thể chỉ đòi hỏi cái tâm và sự minh bạch của người CSGT, mà cần phải có quy định hướng dẫn thực thi thật cụ thể.
NGUYỄN HIỀN (quận Thủ Đức, TPHCM)