Đến vùng đất “hóa rồng”

Năm 2012, Việt Nam - Hàn Quốc (VN-HQ) đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa 2 nước không ngừng lớn mạnh, VN-HQ đã nâng quan hệ lên tầm đối tác hợp tác chiến lược. HQ đã hóa rồng, trở thành nền kinh tế lớn của châu Á và thế giới.
Đến vùng đất “hóa rồng”

Năm 2012, Việt Nam - Hàn Quốc (VN-HQ) đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa 2 nước không ngừng lớn mạnh, VN-HQ đã nâng quan hệ lên tầm đối tác hợp tác chiến lược. HQ đã hóa rồng, trở thành nền kinh tế lớn của châu Á và thế giới.

Hạ tầng hiện đại

Sân bay quốc tế Incheon của HQ cách thủ đô Seoul 60km được xây dựng nằm cách biệt trên một hòn đảo lấn biển, nối với đất liền bằng cây cầu dài 18km. Incheon được đưa vào hoạt động từ năm 2001 và là sân bay hiện đại đứng đầu thế giới hiện nay. Sự hoành tráng và khác biệt của sân bay Incheon đã là một hình ảnh sống động trong du khách khi đặt chân lên xứ sở nhân sâm.

 Được xem là 1 trong 4 “con rồng” ở châu Á, cùng với Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan, Singapore, HQ hiện nằm trong nhóm đầu các nền kinh tế lớn ở châu Á và thế giới. Năm 1970, khi bắt đầu xây dựng, phát triển đất nước, GDP bình quân đầu người của HQ chỉ ở mức 100 USD/người/năm nhưng đến nay con số này đã vượt ngưỡng 28.100 USD/người/năm. Với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, HQ được thế giới biết đến như vùng đất đã “hóa rồng”.

Khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết Alpensia rộng lớn, đầy đủ dịch vụ tiện nghi

Khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết Alpensia rộng lớn, đầy đủ dịch vụ tiện nghi

Với diện tích chưa bằng 1/3 diện tích của VN nhưng HQ lại có đến 70% diện tích là đồi núi. Núi liền núi, núi ở xung quanh, nhà cửa, ruộng vườn được xây dựng, trồng trên những dải đất bằng chen giữa núi. Vì vậy, nông nghiệp không phải là thế mạnh của kinh tế HQ. Hiện nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 3% GDP, chiếm phần quan trọng còn lại là công nghiệp (39,4%), dịch vụ (57,6%).

Trong chuyến công tác đến HQ cùng với Saigontourist vào giữa tháng 4-2012, những thành viên trong đoàn nhà báo VN không khỏi bất ngờ bởi hệ thống hạ tầng giao thông quá hiện đại ở đất nước có quá nhiều đồi núi này. Với người dân VN, hầm đường bộ Hải Vân là công trình mang ý nghĩa lịch sử và thật sự đặc biệt.

Ở HQ, đường hầm xuyên núi nhiều không đếm xuể, hầu hết có 2 đường hầm song song cho 2 chiều xe chạy, có những đường hầm khá dài. Cùng với đó là hệ thống đường cao tốc nối thủ đô Seoul với các thành phố lớn. Trong hành trình từ TP khu trượt tuyết, nghỉ dưỡng Alpensia ở Pyeongchang, tỉnh Gangwon, nơi HQ sẽ đăng cai Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2018 về đến Seoul, cách nhau gần 200km nhưng xe du lịch loại 45 chỗ ngồi chỉ mất 2 giờ chạy.

Anh Melvin Kim, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Arirang, đối tác của Saigontourist tại HQ cho biết, HQ hiện có hơn 3.800km đường cao tốc. Một trong bước ngoặt đầu tiên để làm thay đổi nền kinh tế, HQ quyết định xây dựng đường cao tốc Seoul-Busan. Đây là đường cao tốc đầu tiên được xây dựng từ năm 1970 để nối thủ đô tới TP cảng biển lớn nhất HQ, vì đây là cửa ngõ đưa hàng hóa HQ xuất khẩu ra thế giới. Đường cao tốc này đã rút ngắn thời gian chạy ô tô từ khoảng 14 giờ trước đó xuống còn 5 giờ. Với việc đưa vào hoạt động tàu siêu tốc hiện nay, khoảng cách Seoul-Busan lại rút ngắn chỉ còn 2 giờ 30 phút.

Mặc dù đã là sân bay tầm cỡ thế giới, nhưng HQ vẫn tiếp tục đầu tư thêm 3 tỷ USD để mở rộng sân bay Incheon; xây dựng trạm đón khách hàng không thứ hai, mở rộng ga hàng hóa và hiện đại hóa các trang thiết bị hiện hành. Đầu tư mới sẽ nâng sức chứa 44 triệu hành khách và 4,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm hiện nay lên khoảng 62 triệu khách và 5,8 triệu tấn hàng. Công nghệ và kỹ thuật xây dựng sân bay này được thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.

Seoul - Thành phố đẳng cấp

Với gần 10 triệu dân, TPHCM của VN đã trở nên quá tải với nhiều áp lực về hạ tầng giao thông, an sinh xã hội. Diện tích của Seoul chỉ bằng 1/3 TPHCM nhưng lại có đến 12 triệu dân. Seoul được xem là đô thị có mật độ dân số lớn đứng nhóm đầu của thế giới. Dân số HQ khoảng 49 triệu dân, riêng Seoul đã chiếm 1/4 dân số cả nước. Và nếu tính cả TP biển Incheon lân cận thì 1/2 dân số HQ tập trung ở vùng này. Do vậy, sự đầu tư, phát triển về “chiều cao” là tất yếu.

Trên đường về Seoul chúng tôi bắt gặp nhiều khu dân cư khá quy mô với nhiều tòa nhà cao tầng. Nhưng theo anh Melvin Kim, đó chưa phải là trung tâm. Đây là khu dân cư vùng ngoại ô dành cho người thu nhập thấp, nhà ở mà các tập đoàn kinh tế lớn của HQ xây dựng cho CB-CNV của họ ở.

Với GDP bình quân hơn 28.100 USD/người/năm, thu nhập bình quân hơn 2.000 USD/tháng thì mức sống, chi tiêu tại Seoul thuộc hàng đắt đỏ của thế giới. Một căn hộ khoảng 100m2 có 2 phòng ngủ ở trung tâm Seoul giá 1 triệu USD/căn.

Cũng với diện tích trên, nhà ở khu ngoại ô, các tỉnh giá chỉ khoảng 100.000 USD/căn. Vì vậy, Seoul cũng được biết đến là một trong những TP đẳng cấp của thế giới. Trong vòng 20 - 30 năm phát triển, Seoul được lấp đầy bằng các tòa nhà cao tầng hiện đại, những con đường trong phố rộng 6 - 8 làn ô tô và nó càng tráng lệ hơn ở phía Nam của sông Hàn, khu đô thị mới của Seoul.

Ở trung tâm Seoul, du khách rất dễ lạc đường trong các khu thương mại, trung tâm mua sắm dày đặc, sầm uất và rộng lớn. Để có được đô thị hoành tráng như thế, vấn đề giãn dân cư là việc thấy rõ ở đây. TPHCM đang trong quá trình tương tự, để có một TPHCM hiện đại trong 20 - 30 năm tới thì việc di dời dân cư sống trong nội thành, khu trung tâm TP ra ngoại thành, vùng ven là việc phải làm.

Với kinh nghiệm về phát triển hạ tầng, HQ đã và đang đầu tư, hỗ trợ VN trong nhiều dự án quan trọng.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục