Chuông điện thoại đổ dồn tại Phòng Tiếp nhận từ thiện Báo SGGP, một giọng Nam bộ dịu ấm cất lên từ nửa vòng trái đất. Sau vài câu xã giao, cô bật khóc, giọng lạc đi: “Trên websites http//:www.sggp.org.vn/nhipcaunhanai, tôi có xem bức hình một người đàn ông tên Phước Sang bị điện giật sau hoại tử mất cả hai tay, nằm bất động với một màu trắng xóa trên giường bệnh, sao xót xa quá!”. Một khoảng trống im lặng từ hai đầu dây, giọng người phụ nữ như chợt vỡ òa, nỗi xót thương cho số phận không may gặp nạn.
Liên tiếp thời gian qua, Báo SGGP đón nhận tình cảm chia sẻ của đông đảo bạn đọc không chỉ trong nước, mà còn rất nhiều nghĩa cử nhân ái của kiều bào khắp nơi giúp đỡ anh Sang, trong đó có sự đóng góp nhiều lần của người phụ nữ “bên kia đầu dây”.
| |
Cô chia sẻ: “Hiện nay, ở đâu cũng vậy, để sống cùng cơn bão khủng hoảng kinh tế đang lan tràn khắp thế giới, người dân phải chắt mót chi tiêu từng đồng trong sinh hoạt hàng ngày, nên việc tiết kiệm dành dụm gửi về cho người thân ở quê nhà là cả sự nỗ lực rất lớn để vượt khó khăn”. Thế nhưng theo cô, được đọc một bài báo bằng tiếng Việt trên internet, nơi có hình bóng quê nhà hiện hữu, càng dấy lên lòng yêu quê hương, yêu đồng bào ruột thịt hơn. Điều làm cô hạnh phúc như cảm nhận thấy hơi thở tình làng nghĩa xóm rất gần. Sợi dây tình đồng bào như chất keo kết gắn không thể đứt, dù đi đâu hay về đâu. Được đóng góp cho đồng bào tại quê nhà, cô và bạn bè đồng nghiệp không giấu nỗi xúc động: “Khi biết ai đó ở quê mình đang lâm cảnh bi đát do tai nạn hay bệnh nặng, tất cả chỉ muốn làm một điều gì đó, nho nhỏ thôi, rồi khóc cho đỡ nhớ cội nguồn quê cha đất tổ vì sung sướng làm điều thiện giúp cho dân mình”.
Cô nói, chiến tranh đã lùi xa, nhưng dân mình vẫn nghèo, lỡ chẳng may bệnh tật lại không tiền, không thuốc thang thì dân nghèo cứu chữa sao đây? Cô muốn biết thêm thông tin về tình hình sức khỏe của anh Sang hiện tại.
Sáng thứ sáu cuối tuần, chúng tôi đến thăm anh Sang tại Khoa Phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này đang vào giờ các bác sĩ thay băng và cho thuốc bệnh nhân. Hỏi thăm tình trạng sức khỏe của anh Sang, bà Trần Thị Hồng, mẹ anh, vui vẻ cho biết, sau lần phẫu thuật cấy ghép da thứ 8, các bác sĩ đánh giá sức khỏe anh tiến triển rất tốt. Trừ các vết bỏng sâu, còn lại các vết bỏng nhẹ trên hai bắp chân đang kéo da non.
Đến bên giường ngồi cạnh anh, anh Sang khẽ nghiêng đầu về phía chúng tôi tâm sự: “Tôi không may gặp nạn, nếu không nhờ sự quan tâm chăm sóc tận tình của mẹ già, các y bác sĩ, các nhà báo cùng các nhà hảo tâm thì chắc tôi khó hồi phục như hôm nay”. Nghe con trai thổ lộ, bà Hồng rưng rưng nước mắt nhớ lại: “Tối hôm đó cả nhà ngồi ăn cơm, nó thủ thỉ với tôi là sau khi vợ sinh đứa cháu thứ hai cho má, tụi nó sẽ kế hoạch vì nhà mình nghèo, đẻ nhiều không tốt. Tôi vui trong bụng chưa hết thì ngày hôm sau cháu nó gặp nạn. Đang trong cảnh tuyệt vọng thì may nhờ có bệnh viện, nhà báo kêu gọi giúp đỡ. Gia đình tôi mang ơn mọi người lắm”.
Hoàn cảnh mẹ con anh Sang thật khó khăn, nhưng cũng thật bất ngờ, chúng tôi được các bệnh nhân ở đây cho biết, vừa rồi mẹ con anh Sang đã trích 10 triệu đồng trong số tiền bạn đọc, các mạnh thường quân giúp đỡ để tặng lại bà Tưởng Thị Ngọ, quê ở Đắc Lắc, một bệnh nhân cơ nhỡ bị mắc bệnh tim nặng cần phẫu thuật gấp để giữ tính mạng. “Nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh Sang đã gây xúc động cho nhiều người có mặt. Điều này đáng cho chúng ta suy ngẫm và học tập” - ông Lê Minh Hiển, Phó đơn vị Y xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ với chúng tôi.
Chúng tôi xin gởi tấm hình mới nhất chụp anh Sang tại Bệnh viện Chợ Rẫy để thông báo tin mừng đến cùng bạn đọc - như một lời tri ân - sức khỏe anh Sang đang dần ổn định. Hy vọng tấm hình và bài viết này đăng trên báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng sẽ thỏa được mong muốn của bạn đọc đang ở xa Tổ quốc, thấy được tiến triển tốt về tình hình sức khỏe của anh Sang, trong đó có sự chung tay góp sức bằng tất cả tấm lòng nhân ái vì đồng bào ruột thịt.
Xin mượn tâm sự của người phụ nữ “bên kia đầu dây” để kết thúc bài viết này: “Tình người không thể đong đếm được; cứu đồng bào ta như thể giúp chính bản thân hay gia đình mình. Hiểu cái đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình thì việc làm ấy, dù chỉ ít thôi, nhưng nhiều cái ít ấy gom góp lại sẽ giúp được nhiều cuộc đời bớt đớn đau hơn. tính thiện tăng thì con người sẽ bớt khổ”.
KIM DUNG – MAI NGUYỄN