Đi hoài thành đường

– Gạo thơm, cá mắm, đường thốt nốt, rau củ… ở miệt An Giang mới tìm thêm được lối ra.

– Xuất khẩu nữa à? Sang thị trường nào? Kim ngạch bao nhiêu? Có bền không, hay chỉ là thời vụ?

– Thuộc bài dữ, hỏi tằng tằng như… máy. Lối ra này không ở thị trường ngoại mà là ở thủ đô. Người tiêu dùng Hà Nội giờ có thể mua sản vật Long Xuyên, Châu Đốc bằng cách vô siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngon chưa?

– Được đó. Nhưng sao có vụ “chọn sân nhà” xa mấy ngàn cây số?

– Có xa, nhưng sao xa bằng chuyện con cá tra, cục đường thốt nốt… lụi cụi vượt biển đi tây? Nhà sản xuất nhiều lúc xất bất xang bang vì đầu ra xuất khẩu, nên mới tỉnh ra: về sân nhà, phục vụ người tiêu dùng trong nước. Ăn chắc mặc bền, về tắm ao ta, coi bộ ấm bụng hơn.

– Quan trọng là có bán được hàng không?

– Mới bước đầu thăm dò, làm quen thị trường cũng phải có những điều chỉnh lại bao bì, khẩu vị cho hợp. Nhưng người mình hỏi người mình, thế nào chẳng thông hiểu. Để bán được dài dài, đương nhiên là phải chiều khách.

– Vỗ tay thêm một cái cho vụ này. Còn kẹt gì nữa không?

– Chưa hanh thông liền đâu. Bà con nông dân chưa quen sản xuất lớn, nên đơn hàng còn trật vuột, không đồng đều. Rồi chế biến kiểu thủ công cũng là rào cản về quy cách, chất lượng.

– Biết là khó, nhưng phải đi hoài mới thành đường chớ!

Tư Quéo

Tin cùng chuyên mục