
Thông thường món hàng nào ế ẩm, tự khắc người bán sẽ tự điều chỉnh giá bán theo hướng thấp xuống để thu hút khách hàng. Còn theo các chuyên gia, thị trường địa ốc rồi sẽ qua hồi suy thoái. Chính vì hai lẽ trên, tôi quyết định đi tìm mua một miếng đất hay một căn nhà vừa với túi tiền của mình để… làm của.
Sáng tối hai mảng
Khu vực đầu tiên mà tôi nhắm tới là “chợ địa ốc” trên đường Trần Não quận 2 TPHCM. Thời “hoàng kim”, chỉ trên một đoạn chưa đến 1.000m của con đường này có đến trên dưới ba chục văn phòng giao dịch lớn nhỏ, chưa kể các tay “cò” lượn lờ ăn theo.

Giao dịch địa ốc tại ACB.
Văn phòng của công ty H. trông khá hoành tráng nhưng chỉ mỗi mình cô nhân viên xinh đẹp ngồi đọc báo. Dường như lâu lắm mới có khách ghé nên cô bật dậy khi tôi tấp xe vô. “Dạ, anh cần mua nhà chung cư hay biệt thự ạ?”. “Tôi cần mua một miếng đất hay một căn hộ khoảng vài trăm triệu đồng!”. Cô hỏi lại cần ở vị trí nào, cần gấp không để trao đổi lại với giám đốc công ty, hẹn tôi có gì mai điện thoại lại vì lâu lắm rồi giám đốc không ghé công ty.
Còn tại văn phòng giao dịch M. ba bốn anh nhân viên tụm đầu đánh cờ tướng. Khi tôi vào, một anh buột miệng: “Anh thông cảm đợi tí!” rồi… chiếu tướng. Có vẻ như nơi này chẳng có dấu hiệu gì của một văn phòng giao dịch địa ốc nếu không có tấm bảng to tướng treo ở phía trước.
Chị P. ngụ phường An Khánh (quận 2)- những năm thị trường nhà đất sôi động, chị là người kinh doanh theo kiểu của người ít vốn, mua từng căn nhà hay từng miếng đất đợi cao giá bán kiếm lời rồi tiếp tục mua căn nhà khác hay miếng đất khác. Mỗi năm chị “giao dịch thành” ít nhất cũng bốn, năm vụ.
Nhưng hơn một năm nay căn nhà 68m2 đã có “sổ hồng” ở phường Bình An kêu giá 450 triệu đồng vẫn chưa có người mua. Biết ý định của tôi, chị mời chào: “Chị đang cần vốn, nếu em mua chị để giá rẻ cho, mai mốt lên đô thị mới Thủ Thiêm thì không còn giá đó nữa đâu”.
Ở khu vực phường Linh Đông, Tam Bình quận Thủ Đức, đất vườn còn khá nhiều và nhu cầu sang nhượng cũng không ít. Đi vài trăm mét dọc các con đường Hiệp Bình, 28, 24… là thấy ngay một tấm biển “Bán đất, liên hệ điện thoại…”. Sau ngày đi tìm mua nhà đất, điện thoại của tôi liên tục reo. Câu nói mà tôi nghe nhiều nhất là: “Nếu muốn mua, có thể thương lượng thêm!”. Có vẻ như họ đang rất cần bán.
Khác với “nhà phố, đất lẻ”, việc mua bán tại các dự án thuộc “căn hộ cao cấp” diễn ra khá bình thường. Giá cả những nơi này khá “minh bạch”, chủ đầu tư kêu giá bán với khách hàng rõ ràng, rất hiếm khi nghe chuyện “còn thương lượng” như thường nghe thấy ở những căn nhà lẻ hay đất “lẻ”.
Giá vàng cũng góp phần… đóng băng?
Thống kê tại Siêu thị Địa ốc ACB cho thấy, trong thời gian qua nhà có giá từ 100 cây đến 300 cây vàng giao dịch thành chiếm tỷ lệ cao nhất (47,64%), nhà dưới 100 cây vàng chiếm 38,1%, nhà từ trên 300 đến 500 cây vàng chiếm 9,52% và nhà có giá 1.000 cây vàng trở lên chiếm 4,76%.
Theo một chuyên gia địa ốc tại đây, nhu cầu mua nhà của người có mức kinh tế trung bình khá chiếm tỷ lệ cao nhất, điều này phản ánh khá chính xác sức mua của người dân. Nhà dưới một trăm cây có tỷ lệ thấp hơn vì đây là những căn nhà vị trí không thuận lợi, kém chất lượng. Còn nhà từ 300 cây trở lên giao dịch ít bởi số người có kinh tế khá giả vẫn còn ít.
Liên tiếp trong nhiều năm qua, giá vàng liên tục tăng lên. So với thời điểm 5 năm về trước, giá vàng đã gần tăng gấp đôi. Chính tình hình này đã làm cho người mua và người bán đều ngại. Bởi khi giao dịch, người ta thường quy đổi ra vàng để định giá.
Đối với người bán, khi bán nhà xong nếu vàng tiếp tục lên cao coi như lỗ. Đối với người mua rủi ro cũng không kém. Nhiều người sau khi bán nhà (đất) so với giá tiền mua ban đầu nghe có vẻ lời, nhưng so với giá vàng coi như huề vốn, thậm chí còn bị lỗ.
Chính vì thế giá vàng leo thang sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao dịch nhà đất. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, từ nay đến Tết Nguyên đán giá vàng có thể vượt qua ngưỡng 900.000 đồng/chỉ, vì thế để “khơi thông” thị trường nhà đất dưới góc độ “giá vàng” xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
ĐỖ MINH QUÂN