Tại vùng Kuná Hora, cách thủ đô Praha của Cộng hòa Séc 70km, vốn là vùng mỏ bạc. Khoáng sản bạc được cung cấp cho cả châu Âu thời trung cổ để đúc tiền kẽm. Ngoài địa danh nổi tiếng vì mỏ bạc, còn có một di tích một ngôi nhà thờ nằm ngay trong vùng “đất thánh” Holly Soil, đất chôn người chết cũng cho cả các nước châu Âu.
Xuất phát từ tâm nguyện thiện chí của một giáo sĩ mù lòa và sáng kiến nghệ thuật độc đáo của một nghệ nhân, tân trang nội thất nhà thờ bằng xương cốt người, mà ngôi nhà thờ Sedlec trở nên điểm tham quan nổi tiếng thế giới, để đến năm 1995 UNESCO công nhận bảo tồn di sản thế giới. Theo nội dung nguồn gốc mà UNESCO nêu lên trong bản công nhận bảo tồn di sản thế giới về vùng đất thánh và nhà thờ Sedlec thì vào thế kỷ 15, cụ thể là năm 1400 tại vùng mỏ bạc Kuná Hora, một ngôi nhà thờ lớn được xây dựng, lấy tên vị thánh tổ khai sinh nghề khai thác mỏ bạc là Barbara. Sau khi giáo chủ Henry đi hành hương đất thánh từ xa trở về, ông mang khái niệm “đất thánh” để xây dựng khu nghĩa trang Ossuary, làm nơi chôn cất cho các nước châu Âu trong vùng. Một ngôi nhà thờ nhỏ được dựng lên giữa thánh địa mang tên Sedlec cách nhà thờ lớn Barbara chỉ 2km.
Do đất thánh ngày càng chật chội chỗ chôn, một giáo sĩ lòa đã có thiện chí, cải táng quy tập 40.000 bộ xương người về giữa dưới tầng hầm nhà thờ Sedlec để lấy đất chôn người tiếp. Sự quy tập này đã khiến thời đó, có nhiều người đi ngang qua có ảo giác như nhìn lên tháp nhà thờ có đầu lâu và xương chéo, kèm theo lời đồn đại, nhà thờ xây bằng xương cốt người. Nhưng sự thật thì nhà thờ vẫn uy nghi tươi sáng vươn lên bầu trời xanh, nơi giáo dân tới lui xem lễ, với hình ảnh thanh bình an lạc.
Đến cuối thế kỷ 19, do nhà thờ Sedlec xuống cấp đổ nát, nhân dịp tu bổ và trang trí nội thất mới, chủ công trình Duke cùng nghệ sĩ Frantisek Rindt đã tận dụng 40.000 bộ xương cốt tạo nên những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời để có những bức phù điêu, tranh ghép xương trang trí cho nhà thờ làm tăng thêm vẻ mỹ thuật và gần gũi giữa hai thế giới âm dương. Chủ xướng và hỗ trợ tài chính cho công trình tân trang bằng xương cốt Duke thuộc dòng họ Schwartzenberg nhờ đó mà nhận được nhiều phần thưởng cao quý “lưỡng toàn kỳ mỹ”, tức một nghĩa cử mà ra hai lợi ích, nhà thờ được tân trang độc đáo, đồng thời giải tòa hầm chứa xương, để có thể cải táng tiếp, để đất trống cho nghĩa địa.
LÊ VĂN SÂM