Đi xuyên Việt vì cộng đồng

Đi xuyên Việt vì cộng đồng

Đó là Quang Đạt (tên thật là Nguyễn Đức Đạt) người được giới văn nghệ sĩ đặt cho nhiều biệt danh như “khùng”, “gã khờ dại”, “nghệ sĩ kỳ dị”... nhưng là người đang nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay ông đã 4 lần đi xuyên Việt bằng phương tiện cá nhân. Và tất cả các chuyến vào Nam ra Bắc ấy đều nhằm mục đích vì cộng đồng...

Quang Đạt (phải) bên chiếc xe cổ của mình.

Quang Đạt (phải) bên chiếc xe cổ của mình.

Tình cờ gặp lại Quang Đạt tại Trung tâm Thể dục thể thao quận 1, TPHCM vào buổi sáng đầu tuần, ông hớn hở cho hay mình vừa được Trung tâm Unesco văn hóa và truyền thông (thuộc Liên hiệp Các hội Unesco Việt Nam) cử làm sứ giả của chương trình “Hành trình xuyên Việt năm 2012”, chủ đề “Về với mẹ” tổ chức đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7 năm nay.

“Đây sẽ là chuyến đi xuyên Việt lần thứ năm của tôi. Từ hôm nhận quyết định cùng với các giấy tờ công văn liên quan đến chuyến hành trình, tôi vô cùng hạnh phúc vì mình lại tiếp tục có cơ hội làm việc có ích cho đời” - Quang Đạt bộc bạch.

Nhìn nét mặt rạng rỡ, giọng nói như reo của ông mới thấy trân trọng người nghệ sĩ vừa có tài lại cũng trọn vẹn chữ tâm. Cuộc du hành từ thiện xuyên Việt đầu tiên của nghệ sĩ Quang Đạt diễn ra vào năm 2007 trong vai trò là “đại sứ” của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Điện ảnh TPHCM tạo điều kiện, ông đã cỡi chiếc xe Lambretta cũ kỹ nhưng rất bền bỉ đi khắp các địa phương trong cả nước để kêu gọi ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Với hình thức giao lưu văn hóa văn nghệ, kết hợp bán đấu giá vật phẩm của văn nghệ sĩ, tranh vẽ của các họa sĩ về đề tài chất độc da cam... toàn bộ số tiền hàng trăm triệu đồng thu về đều được “đại sứ” Quang Đạt trao lại cho hội nạn nhân chất độc da cam các tỉnh thành mà ông đi qua.

Năm 2008, nghệ sĩ Quang Đạt thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ hai trong đời mình mang tên “Vì tuổi thơ Việt Nam”. Thông điệp mà ông mang theo suốt hành trình đó là toàn xã hội hãy quan tâm, thể hiện tình thương và trách nhiệm đối với thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

Kết quả hơn 1 tháng “đi bụi” bằng xe máy cổ từ Bắc vào Nam, ông đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng để mua 30.000 chiếc áo ấm tặng trẻ em nghèo các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Song song đó là hoạt động thăm, tặng quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương khác.

Chưa hết, năm 2010, thời điểm vừa tròn 3 năm người dân cả nước thực hiện đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, với ý tưởng tiếp tục cổ động, tuyên truyền cho việc tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong cộng đồng, nghệ sĩ Quang Đạt tiếp tục thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ ba bằng chiếc xe máy cổ của mình.

Từ Hà Nội ông rong ruổi hơn 1 tháng trời để đi hết chặng đường hàng ngàn kilômét và kết thúc hành trình tại mũi Cà Mau. Đi đến đâu ông cũng đều ghé lại xin chữ ký của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) lưu lại trên chiếc nón bảo hiểm của mình. Tổng cộng Quang Đạt đã sưu tầm được 9 chiếc nón bảo hiểm với hơn 2.000 chữ ký của CSGT và 9 chiếc nón này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Ở độ tuổi ngoài 50, vừa kết thúc chuyến xuyên Việt vì an toàn giao thông, chỉ vài tháng sau đó, vào dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh nhật Bác, người đàn ông chuyên “ngủ bụi” này lại tiếp tục khăn gói lên đường đi xuyên Việt lần thứ tư với chủ đề khá độc đáo mang tên “Rước Bác vào Nam”. Báu vật và cũng là chủ thể chính của cuộc “rước Bác” đó là bức tượng bán thân Bác Hồ (cao 60cm, nặng 70kg) tạc bằng đá cẩm thạch được nghệ sĩ Quang Đạt mang theo cùng với mình. Đây là bức tượng quý giá mà ông có được từ sự hỗ trợ kinh phí của bạn bè và nhà hảo tâm.

Theo lộ trình đã vạch sẵn, từ làng Sen quê Bác (Nghệ An) ông bắt đầu “hộ tống” tượng Bác vào “thăm” Trường Quốc học Huế, Trường Dục Thanh, bến cảng Nhà Rồng, vốn là những địa danh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Người. Sau gần 1 tháng thành kính đồng hành cùng tượng Bác, chuyến du hành kết thúc tại khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nói đến đây, vẻ mặt người nghệ sĩ trở nên rất nghiêm nghị: “Bác là một tấm gương sáng mà tất cả mọi người dân Việt Nam phải cố gắng học tập theo Người. Đó là mục đích chuyến đi của tôi.”

Mấy chục năm qua, là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ thiết kế, cố vấn võ thuật gần 100 bộ phim lớn nhỏ. Tuy vai vế cũng thuộc vào hàng kỳ cựu trong làng nghệ thuật thứ bảy, nhưng cuộc sống của nghệ sĩ Quang Đạt rất bình dị, đạm bạc nếu không nói là nghèo nàn so với bạn bè đồng nghiệp. Hầu hết các chuyến đi xuyên Việt của ông đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của anh em, bạn bè và đồng nghiệp.

Suốt những chuyến hành trình dài ngày, ngoài chiếc xe cổ cùng các vật dụng cần thiết, tay nghệ sĩ nghèo này còn chất lên xe cả xoong nồi, chén dĩa và mùng mền để “ngủ bụi”. Bạn bè thân thiết không ai không biết chuyện ông “móc túi” CSGT từ Bắc vào Nam để có chút lộ phí đi đường.

“Nói móc túi cho oai vậy chứ sao dám. Anh em CSGT làm nhiệm vụ trên đường thấy tôi đi một mình vất vả, thiếu thốn họ tự bỏ tiền ra giúp mà” - Quang Đạt vuốt râu cười hể hả. Nhìn vẻ mặt gồ ghề, râu tóc dài như “người rừng”, chính giữa đầu xăm hình Bác Hồ, tướng tá có phần hơi “bặm trợn” nhưng có dịp tiếp xúc và nghe ông trải lòng mới thấy cái tâm của người nghệ sĩ.

Chúc chuyến xuyên Việt lần thứ năm về với các Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền đất nước của nghệ sĩ Quang Đạt thành công trọn vẹn như mong ước làm việc thiện mà ông đã đeo đuổi hơn nửa cuộc đời.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục