Trong số những “điểm sáng” năm vừa qua hẳn không thể không nhắc đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 20,2 tỷ USD, cao hơn 19% so với kế hoạch. Đặc biệt, vốn thực hiện ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước và cao hơn 2,9% so với kế hoạch.
Những nỗ lực củng cố niềm tin
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức cuối năm 2014: “Cộng đồng nhà đầu tư châu Âu chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi”. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) Gaurav Gupta thì nhấn mạnh, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất hiện nay là niềm tin, và Chính phủ Việt Nam “bằng những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ, đã và đang tạo dựng được niềm tin ấy”.
Các nhà đầu tư cũng không quên lưu ý đến một sự kiện chưa từng có tiền lệ: trước những diễn biến phức tạp sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết tâm huyết trên trang thông tin chính thức của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ quan điểm: Trong trung và dài hạn, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên của Việt Nam sẽ hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
“Việt Nam coi thành công của các doanh nghiệp FDI cũng chính là thành công của mình. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam” - người đứng đầu Chính phủ khẳng định mạnh mẽ.
Thực tế, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đã nhanh chóng có các biện pháp khắc phục hậu quả vụ việc này, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông điệp và hành động nhất quán về việc bảo vệ nhà đầu tư và người lao động nước ngoài đã được chứng minh, nhờ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và vị thế này có lẽ khó có thể bị cạnh tranh trong ngắn hạn. Nhưng mới đây Chính phủ đã chính thức đồng ý bổ sung dự án tổ hợp lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội - Bình Định, vốn đầu tư 22 tỷ USD, vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025. Dự án này có quy mô chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến khởi công vào đầu năm 2017 và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Chủ đầu tư cũng dự kiến nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm sau năm 2021 và vốn đầu tư có thể lên tới 30 tỷ USD khi điều kiện cho phép. Nếu được cấp phép, đây là dự án FDI có vốn lớn nhất được đăng ký tại Việt Nam.
Trong xưởng sản xuất xe Piago. Ảnh: LÃ ANH
Xu hướng chuyển động mới
Theo Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu đang có sự chuyển dịch quan trọng. Vốn đầu tư từ các nước phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước công nghiệp hóa, thay vì các nước đang phát triển như những năm trước đây, do các nước đang phát triển đã giảm lợi thế về nhân công, trong khi các nước phát triển lại có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân công trình độ cao cũng như gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Năm 2014, 10 thỏa thuận đầu tư lớn nhất đều được thực hiện ở các nước phát triển.
Dù vậy, vẫn theo UNCTAD, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo lần lượt là 1.700 tỷ USD trong năm 2015 và 1.800 tỷ USD vào năm 2016. Việt Nam cần làm gì để thu hút được dòng vốn này?
Anh Thư